Thứ 6, 17/05/2024 | 12:22

Thư mời chào giá

HỌC TẬP NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW

HỘI NGHỊ NHÂN NGÀY VỆ SINH TAY TOÀN CẦU 05/5 VÀ NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/5

Về việc đính chính văn bản số 367/BV74TW-VTTBYT ký ngày 24/4/2024.

GIAO LƯU THỂ THAO GIỮA CÔNG ĐOÀN BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG VỚI CÔNG ĐOÀN BỆNH VIỆN PHỔI TRUNG ƯƠNG

 

Giao tiếp và giao tiếp trong y khoa

Loài người có 2 phương diện giao tiếp đó là giao tiếp bằng ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ.

25/02/2015

Loài người có 2 phương diện giao tiếp đó là giao tiếp bằng ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ. Giao tiếp phi ngôn ngữ là giao tiếp thông qua các cử chỉ hành động của cơ thể như nét mặt, cách nhìn, điệu bộ, khoảng cách giao tiếp, thái độ và tâm giao tiếp.

\"\"

Đối với giao tiếp bằng ngôn ngữ hay lời nói được thể hiện bằng lời nói và giọng điệu nói: Giao tiếp bằng ngôn ngữ có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. Xin trích câu truyện vui sau: “ Một bầy nai đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Tất cả các con nai còn lại trong bầy đều bu quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con nai rằng chúng chỉ còn nước chết mà thôi. Hai con nai bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con nai kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, rằng chúng chỉ còn nước chết. Sau cùng, một con nai phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong sự tuyệt vọng. Con nai còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và thét lên khuyên nó hãy thôi. Nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh và hỏi nó: \"Anh không nghe tụi tôi nói gì hay sao?\". Thì ra con nai này bị nặng tai. Nó tưởng cả bầy nai đã động viên nó suốt khoảng thời gian vừa qua”.

Với giao tiếp phi ngôn ngữ: Có rất nhiều học thuyết nghiên cứu về loại hình giao tiếp này nhưng tóm lại là sự biểu hiện về thái độ, cử chỉ, nét mặt, ánh mắt… và cái tâm trong giao tiếp. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì trong quá trình giao tiếp, giao tiếp ngôn ngữ, lạ thay chỉ góp phần nhỏ nhất 7% trong việc tác động đến người nghe, giọng điệu chiếm tới 38% và yếu tố phi ngôn ngữ lại trở nên quan trọng nhất vì sở hữu được 55%. Những công trình nghiên cứu ngày nay đã ghi vào danh mục hơn một triệu bản mã và tín hiệu liên quan đến ngôn ngữ cơ thể. Các chuyên gia nói rằng trong cuộc đàm phán kéo dài 30 phút, hai người có thể biểu hiện hơn 800 thông điệp phi lời nói khác nhau. Nếu cả hai người đều không hiểu hoặc không nhận ra những thông điệp này, thì cả hai chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp thấp. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả của nhiều cuộc đàm phán không đến đích. Và như vậy giao tiếp là sự kết hợp giữa giao tiếp bằng ngôn ngữ, giọng điệu và giao tiếp phi ngôn ngữ.

Giao tiếp trong y khoa là giao tiếp giữa cán bộ y tế hay thầy thuốc nói chung với người bệnh và người nhà người bệnh. Đây là khía cạnh giao tiếp đặc biệt vì một số lý do chính sau:

1. Thầy thuốc có trách nhiệm khám, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh. Ngược lại người bệnh được quyền khám, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị và quyền được biết các thông tin về bệnh tật.

2. Ngành y là ngành đặc biệt, đối tượng là những người bệnh. Thầy thuốc luôn đòi hỏi phải khẩn trương, đạt được độ chính xác cao để cứu người vì vậy phải chịu áp lực căng thẳng, sự mệt nhọc.

3. Người bệnh bị chính bệnh của mình gây nên sự đau đớn, mệt mỏi về thể xác, tinh thần và đè nặng lên tâm lý. Người nhà người bệnh thì ví như là máu chảy ruột mềm. Nếu thực hiện giao tiếp không tốt, thầy thuốc vô tình đẩy người bệnh vào vòng xoắn bệnh lý nặng nề hơn.

4. Các cuộc giao tiếp giữa hai đối tượng xảy ra hầu hết là chưa quen biết, chưa hiểu biết sâu sắc lẫn nhau.

5. Hầu hết người bệnh chỉ biết đôi chút hoặc không hề biết về bệnh tật cần khám, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị như thế nào.

6. Giao tiếp trong y khoa bên cạnh đạt được sự hài lòng, sự tin tưởng của người bệnh còn phải giúp cho khám, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị hiệu quả cũng như các liên quan khác về chi phí khám chữa bệnh.

7. Lời nói thật trong giao tiếp y khoa đôi khi lại như một hiệu ứng bất lợi: Một nghiên cứu kiểm soát với quy mô lớn và độ tin cậy cao được tiến hành trên 2 nhóm người bệnh tương đồng dùng Aspirin: một nhóm được giải thích quá kỹ càng, nâng tầm quan trọng về tác dụng phụ của thuốc tới dạ dày, một nhóm giải thích là có thể có tác dụng phụ, hoặc không giải thích. Kết quả cho thấy tác dụng phụ của Aspirin tới dạ dày ở nhóm được giải thích quá kỹ và nâng tầm quan trọng lên thì cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm kia.

8. Giao tiếp trong y khoa là giao tiếp kịp thời nếu không người bệnh có thể tử vong, ngược lại trong một số tình huống cấp cứu chúng ta không thể đợi giao tiếp (giải thích cho người thân của người bệnh) rồi mới cấp cứu người bệnh.

9. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng đòi hỏi cao hơn. Bệnh tật có xu thế diễn biến phức tạp, nhiều bệnh lạ, bệnh khó chẩn đoán, điều trị xuất hiện mà y học chưa giải mã được.

Mục đích của chăm sóc sức khỏe là duy trì sự sống và cải thiện tình trạng người bệnh với sự lưu tâm đến bệnh, tổn thương, tình trạng chức năng và ý thức của người bệnh. Thực hiện những mục đích đó đã được khẳng định trong quan hệ giữa người bệnh và thầy thuốc, trong sự hiểu biết ở cả hai phía, một sự hợp thành tạo nên hiệu quả trong giao tiếp giữa thầy thuốc và người bệnh.

Lấy người bệnh làm trung tâm được xác định là một chìa khóa quan trọng nhất của chất lượng bệnh viện. Quy mô của lấy người bệnh làm trung tâm bao gồm sự lưu tâm tới tất cả các hoạt động của bệnh viện mà liên quan đến người bệnh trong đó giao tiếp là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Giao tiếp phù hợp và hiệu quả giữa thầy thuốc và người bệnh không chỉ cải thiện sự hài lòng và an toàn đối với người bệnh mà còn giúp cho hiệu quả điều trị tốt hơn và thường đưa đến chi phí thấp hơn. Thất bại giao tiếp hoặc thiếu quan tâm thông cảm, thiếu sự ưu ái với người bệnh… sẽ góp phần làm cho người bệnh nặng nên và sinh ra hàng loạt các tác hại ngược lại khác nhau đối với người bệnh.

Ở trong thời đại mà công nghệ y học hiện đại phát triển có nhiều trang thiết bị y tế cao cấp góp phần to lớn trong khám chữa bệnh, nhưng cũng có những mặt trái đó là đưa một số nhỏ thầy thuốc đến “Sự ỉ lại cho máy móc”, vô tình dẫn đến bỏ qua hoặc ít quan tâm đến vấn đề giao tiếp trong khám chữa bệnh. Qua thống kê thì đại đa số các sự vụ bức xúc xảy ra giữa thầy thuốc với người bệnh và người nhà người bệnh là xuất phát từ nhiều góc cạnh của giao tiếp bao gồm cả giao tiếp bằng lời nói và giao tiếp phi ngôn ngữ mà nguyên nhân thuộc về cả hai phía. Vì vậy để giao tiếp trong y khoa hiệu quả, cả hai phía phải thực hiện tốt quy tắc giao tiếp, trong đó mỗi thầy thuốc cần rèn luyện và thực hiện tốt quy tắc giao tiếp ứng xử do Bộ Y tế ban hành.

TS. Vũ Quang Diễn


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com