Thứ 3, 30/04/2024 | 14:35

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THƯ MỜI CHÀO GIÁ

 

30 CÂU HỎI VÀ GIẢI ĐÁP VỀ BỆNH LAO, LAO VÀ HIV/AIDS, LAO KHÁNG THUỐC

Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương – Chương trình Chống lao Quốc gia

14/07/2011

1.         Bệnh lao là gì?

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao lây theo đường không khí. Bệnh lao không di truyền. Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu phát hiện sớm và chữa đúng cách.

2.         Nguyên nhân của bệnh lao là gì?

Ngày xưa ông cha ta cho rằng: bệnh lao là bệnh di truyền từ đời này sang đời khác, trong gia đình nếu ông bà bị bệnh lao thì đời con cháu sẽ bị mắc bệnh lao, nên con cái người mắc bệnh lao rất khó lấy vợ, gả chồng. Vì những suy nghĩ không đúng như vậy mà người mắc bệnh lao bị mọi người xa lánh và họ đã giấu bệnh.

Một số người khác lại cho rằng bệnh lao sinh ra là do “lao lực” nên đã không có cách chữa bệnh đúng, bệnh ngày càng nặng và kết thúc cuộc đời bằng cái chết rất đáng tiếc.

Nhờ có kính hiển vi, người ta đã tìm được nguyên nhân gây bệnh lao là vi khuẩn lao có tên khoa học Mycobacterium tuberculosis.

3.         Như thế nào là nhiễm lao và mắc bệnh lao?

Người mắc bệnh lao phổi khi ho, khạc nhổ làm bắn ra những hạt nước bọt nhỏ li ti có mang theo vi khuẩn lao bay vào không khí và lưu chuyển đi khắp mọi nơi. Khi người khỏe hít phải vi khuẩn lao trong không khí là bị nhiễm lao, nếu sức đề kháng của cơ thể tốt, các vi khuẩn lao bị khống chế “ở trạng thái không hoạt động” nên chúng không phát triển được để có thể gây bệnh. Khi sức đề kháng của cơ thể người đó bị suy giảm (do suy dinh dưỡng, do nhiễm HIV, những người già yếu, người mắc bệnh tiểu đường, trẻ em dưới 5 tuổi…) là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh lao.

4.  Có phải tất cả những người hít phải vi trùng lao (tức là đã nhiễm lao) điều mắc bệnh lao không?

Không phải. Chỉ khi sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm do: lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, sinh hoạt không điều độ, môi trường sống thiếu vệ sinh, do nhiễm HIV…khi đó vi trùng lao sẽ phát triển mạnh trong cơ thể và gây bệnh. Người ta thấy chỉ khoảng 10% số người nhiễm vi trùng lao có thể mắc bệnh lao.

5.         Vi trùng lao xâm nhập vào cơ thể bằng đường nào?

Đường hô hấp là chủ yếu. Vi trùng lao ở trong không khí, nên ta hít thở, vi trùng lao dễ dàng xâm nhập từ không khí vào trong cơ thể qua đường hô hấp gây ra nhiễm lao.

Vị trí đầu tiên vi trùng lao cư trú trong cơ thể là ở phổi, chúng có thể gây bệnh tại đó, hoặc có thể lan tràn theo đường máu đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể để gây bệnh.

6.         Trong cơ thể vi trùng lao hay gây bệnh ở đâu nhất?

Ở phổi. 80% những người mắc bệnh lao là lao phổi, số còn lại có thể là lao hạch, lao xương khớp, lao màng não, lao màng phổi, lao bộ phận sinh dục tiết niệu, lao ruột… Trẻ em cũng bị bệnh lao như ở người lớn, nhưng thường nặng hơn.

7.         Thể lao nào dễ lây bệnh cho mọi người nhất?

Lao phổi. Trong đờm của người lao phổi thường chứa nhiều vi trùng lao. Khi người bị lao phổi ho khạc đờm, nói to, hắt hơi vi trùng lao theo những giọt nước bọt nhỏ li ti bắn ra và bay lơ lửng trong không khí. Khi ra ngoài cơ thể, vi trùng lao tồn tại rất lâu ở nơi ẩm thấp, thiếu ánh nắng và lưu chuyển trong không khí đi khắp mọi nơi.

8.  Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao phổi biểu hiện như thế nào?

Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi.

     Có thể kèm theo các triệu chứng khác: + ho ra máu

+ sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm

+  Đau tức ngực

+ Gầy sút cân.

9.    Khi có dấu hiệu hay triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao cần làm gì?

Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nói trên cần phải đến ngay các cơ sở y tế (Trung tâm y tế dự phòng huyện hoặc bệnh viện huyện) để khám bệnh, xét nghiệm 3 mẫu đờm tìm vi khuẩn lao.

Hiện nay ở nước ta Chương trình Chống lao quốc gia đã xây dựng mạng lưới chống lao hoạt động rộng khắp trong cả nước lồng ghép trong hệ thống y tế chung từ trung ương đến tỉnh, huyện và xã phường.

10.     Cần làm xét nghiệm gì để phát hiện bệnh lao?

Xét nghiệm đờm:

Soi đờm bằng kính hiển vi tìm vi khuẩn lao là một xét nghiệm đơn giản và chính xác để chẩn đoán bệnh lao phổi.

Chụp phim X-quang phổi để phát hiện tổn thương do vi khuẩn lao gây ra trong phổi.

Phản ứng Tuberculin (phản ứng Mantoux):

Phản ứng Mantoux dương tính cho thấy tình trạng cơ thể đã có miễn dịch với vi khuẩn lao ( có thể chỉ là nhiễm lao mà chưa hẳn là mắc bệnh lao). Ngược lại phản ứng Mantoux âm tính cũng không loại trừ được có mắc bệnh lao hay không. Những người bị suy dinh dưỡng, bị nhiễm HIV hoặc đang mắc các thể lao nặng có thể gây phản ứng Mantoux âm tính giả.

11.          Bệnh lao có chữa khỏi được không?

Chắc chắn chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm và chữa đúng cách.

12.          Chữa bệnh lao như thế nào là đúng cách?

Bệnh nhân phải được chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị bệnh tại cơ sở chuyên khoa lao.

Bệnh nhân phải thực hiện điều trị đúng 4 nguyên tắc theo chỉ dẫn của thầy thuốc đó là:

+ Dùng phối hợp ít nhất 4 loại thuốc chống lao.

+ Đúng liều lượng

+ Đều đặn hàng ngày, xa bữa ăn.

+ Đủ thời gian ( 8 tháng liên tục)

-         Cần phải xét nghiệm lại đờm 3 lần (đối với người mắc lao phổi) vào các thời điểm: sau tháng thứ 2 của giai đoạn điều trị tấn công, sau tháng thứ 5 và thứ 8 của giai đoạn điều trị duy trì.

13.          Nếu chữa bệnh lao không đúng cách thì hậu quả sẽ ra sao?

Nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và cộng đồng, vì:

-         Vi trùng lao kháng thuốc không chữa được.

-         Lây vi trùng lao kháng thuốc cho người khác

-         Cái chết đang chờ đón

14.       Người mắc bệnh lao có phải nằm điều trị trong bệnh viện không?

Không. Đa số bệnh nhân lao có thể điều trị tại nhà, trừ một số trường hợp sau:

-         Có biểu hiện khó thở

-         Có ho ra máu

-         Rất yếu mệt

-         Phải làm thêm một số xét nghiệm đặc biệt

15.   Người mắc bệnh lao cần phải làm gì để phòng lây nhiễm cho những người trong gia đình và những người khác?

-        Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sỹ. Thường chỉ sau 2 tuần điều trị sẽ nhanh chóng làm giảm khả năng lây bệnh cho người khác.

-        Che miệng và quay mặt về phía khác khi ho, khi hắt hơi.

-        Không khạc nhổ đờm bừa bãi, cần khạc đờm vào giấy rồi gói lại và đốt đi.

-        Nếu có điều kiện thì ngủ ở phòng riêng có thông khí tốt.

-        Khuyên những người trong gia đình đi khám bệnh xem có bệnh lao không.

16.       Những thành viên trong gia đình sống cùng nhà với người bệnh có cần uống thuốc phòng bệnh lao không? Nếu có, thì là thuốc gì?

-        Người mắc bệnh lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm là nguồn lây bệnh cho những người xung quanh.

-        Người lớn sống cùng nhà với những người bệnh này cần chú ý phòng tránh để không lây nhưng không cần uống thuốc phòng lao.

-        Trẻ em dưới 5 tuổi sống cùng với người bệnh cần uống thuốc dự phòng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

-        Người lớn và trẻ em lớn trong gia đình bệnh nhân lao cần phải đến cơ sở chống lao để khám xem hiện tại có mắc bệnh lao không và sẽ được hướng dẫn về những dấu hiệu, hay triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao để có thể giúp phát hiện sớm bệnh lao.

17.       Điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị?

Sau khi điều trị thuốc chống lao được vài tuần, dấu hiệu bệnh thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và có thể tăng cần, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh chưa khỏi, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị cho đủ 8 tháng. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị (ngừng dùng thuốc trước 8 tháng) bệnh không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại cad thuốc chống lao và việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

18.  Xét nghiệm lại đờm sau 2,5 và 8 tháng điều trị có quan trọng không?

Rất quan trọng vì:

-        Để xem trong đờm đã hết vi trùng chưa, sau 8 tháng điều trị bệnh đã khỏi chưa.

-         Để thầy thuốc có cách điều trị tốt hơn.

Vậy xét nghiệm lại đờm trong quá trình điều trị là quyền lợi của bệnh nhân lao, đồng thời là trách nhiệm của thầy thuốc.

19.  Dùng thuốc chống lao có thể gặp những tác dụng phụ nào?

Có thể thấy buồn nôn hoặc chóng mặt, ngứa… là các tác dụng phụ nhẹ nên bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc.

Nếu cảm thấy giảm thị lực (nhìn mờ), giảm thính lực (nghe kém), đau khớp hoặc thấy vàng mắt cần phải ngừng thuốc vào đến gặp cán bộ y tế ngay.

20.  Phụ nữ đang mang thai có thể tiếp tục điều tri bệnh lao không?

Các thuốc H (Rimifon), R (Rafampixin) và E (Ethambutol) sử dụng điều trị vẫn an toàn. Không nên sử dụng S (Streptomyxin) vì có thể gây điếc cho thai nhi…

21.  Phụ nữ đang nuôi con chữa bệnh lao có thể cho con bú không?

Có. Người mẹ có thể vẫn tiếp tục cho con bú, nguy cơ tác động có hại của thuốc chống lao đối với trẻ em là rất hãn hữu. Tuy nhiên người mẹ nên đưa con đi khám định kỳ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thuốc chống lao.

Người mẹ nên uống thuốc sau khi cho con bú và cho trẻ bú chai vào lần bú tiếp theo khi uống thuốc.

Người mẹ không nên cho con bú nếu cả mẹ và con đều phải điều tri thuốc chống lao, vì một phần thuốc chống lao sẽ qua sữa mẹ làm tăng nồng độ thuốc chống lao trong máu của đứa trẻ nên dễ có nguy cơ ngộ độc.

22.   Có thể tiếp tục làm việc trong khi điều trị bệnh lao không?

Vẫn có thể tiếp tục làm việc, nhưng nên nghỉ ngơi trong 1 đến 2 tháng đầu điều trị cho đến khi thấy khỏe hơn.

23.       Có thể phát hiện và chữa bệnh lao ở đâu?

Bạn có thể đến khám, phát hiện bệnh lao ở Trung tâm y tế dự phòng hoặc Bệnh viện huyện nơi bạn sống.

Hiện nay, tất cả các Trung tâm y tế dự phòng huyện hoặc Bệnh viện huyện trong cả nước đều có tổ chống lao, bạn có thể yên tâm khám chữa bệnh lao ở đó. Nhiều nơi bệnh nhân lao được chuyển về chữa trị tại trạm y tế xã, y tế thôn bản, vừa dùng thuốc vừa học tập và lao động bình thường.

24.   Có phải trả tiền khám bệnh, xét nghiệm đờm phát hiện bệnh lao tại các cơ sở y tế chống lao không?

Không . Vì Chương trình Chống lao quốc gia đã cung cấp đầy đủ phương tiện: lam kính, cốc đờm, hóa chất, kính hiển vi, tiền bồi dưỡng cho cán bộ y tế thực hiện khám, xét nghiệm đờm tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh lao.

25.   Thuốc chữa bệnh lao có mất tiền không?

Không. Thuốc chống lao được nhà nước cung cấp miễn phí.

26.  Bệnh nhân lao cần có chế độ ăn, uống và sinh hoạt như thế nào thì tốt?

-         Cần ăn đủ chất: đạm, mỡ, đường, vitamin…, không phải ăn kiêng gì.

-   Sinh hoạt điều độ, uống đủ nước.

-   Bỏ thói quen có hại cho sức khỏe như: hút thuốc, uống rượu.

-   Lấy tay che miệng khi ho, khạc nhổ đờm vào ca, bô có nắp đậy hoặc vào mảnh giấy gói lại đốt đi.

-   Thương xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân.

27.        Phòng bệnh lao bằng cách nào?

Bệnh lao có thể phòng được bằng cách:

-  Tiêm phòng lao cho trẻ lúc sơ sinh hoặc khi trẻ còn dưới 1 tuổi.

-  Phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho đến khi khỏi bệnh để không lây nhiễm cho người lành.

-  Không ngừng nâng cao mức sống, dinh dưỡng, vệ sinh nhà ở và môi trường.

28.   Bệnh lao có liên quan với HIV/AIDS như thế nào?

Người ta nói: “Bệnh lao là bạn đồng hành của người có HIV”, bởi vì có HIV làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao trong cơ thể sinh sôi tăng nhiều về số lượng và gây bệnh lao.

-         Trên 30% số người có HIV sẽ bị mắc bệnh lao.

-         Gần 50% số người có HIV/AIDS bị chết do lao.

Nói tóm lại, người có HIV rất dễ mắc bệnh lao. Các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao ở người có HIV:

-         Ho khạc kéo dài (hiếm khi có ho ra máu)

-         Sốt kéo dài

-         Cơ thể suy sụp nhanh.

Có thể chữa khỏi bệnh lao, kéo dài cuộc sống cho người có HIV nếu phát hiện bệnh sớm và chữa đúng cách.

29.       Bệnh lao kháng thuốc là gì?

        Mắc bệnh lao kháng thuốc nghĩa là vi khuẩn lao gây bệnh trong cơ     thể đã kháng lại thuốc chống lao, đây là một thể bệnh lao rất nguy hiểm.

-        Nguyên nhân gây bệnh lao kháng thuốc:

+ Do bệnh nhân không thực hiện điều trị đầy đủ theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa lao.

+ Do thầy thuốc chỉ định điều trị không đúng (phối hợp thuốc không đúng, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc không đúng cách…), hay gặp khi bệnh nhân chữa bệnh ở phòng mạch tư, thầy thuốc không hiểu biết về chuyên khoa lao.

-        Kết quả điều trị đối với bệnh lao kháng thuốc:

+ Người mắc bệnh lao không kháng thuốc, thời gian điều trị là 8 tháng, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh trung bình đạt trên 90%.

+ Người mắc bệnh lao kháng thuốc, thời gian điều trị phải kéo dài từ 18 đến 24 tháng, cần phải điều trị bằng nhiều loại thuốc đắt tiền và có nhiều độc tính, chi phí điều trị đắt gấp hàng trăm lần, nhưng kết quả điều trị khỏi bệnh lại rất thấp, thường không vượt quá 70%.

-        Tác hại của bệnh lao kháng thuốc:

+ Người mắc bệnh lao kháng thuốc có tỷ lệ tử vong cao hơn.

+ Làm lây nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc cho người khác trong cộng đồng.

30.   Mười điều bệnh nhân lao cần nhớ là gì?

-           Bệnh lao hoàn toàn chữa khỏi nếu bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đúng liều và đủ 8 tháng.

-           Bệnh nhân cần đến khám lại mỗi tháng 1 lần.

-           Bệnh nhân cần che miệng khi ho, nhổ đờm vào cốc có nắp đậy hoặc vào giấy gói lại rồi đốt đi.

-           Không được ngừng điều trị khi cảm thấy khỏe hơn, cảm thấy khỏe hơn không có nghĩa là bệnh đã khỏi..

-           Cần gặp bác sỹ ngay nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ có hại của thuốc như: mắt nhìn mờ, chóng mặt, nghe khó, vàng da, vàng mắt.

-           Không hút thuốc lá, không uống rượu

-           Có thể ăn, ở cùng mọi người trong gia đình nhưng phải uống thuốc đúng chỉ dẫn.

-           Không cần phải ăn kiêng (ngoại trừ người bệnh lao có kèm theo đái tháo đường).

-           Tốt nhất tránh mang thai trong khi đang điều trị bệnh lao, nhưng không nên quá lo lắng nếu có thai.

-           Trong quá trình điều trị 8 tháng cần phải xé nghiệm lại đờm 3 lần để xem kết quả điều trị có tốt không và bệnh đã khỏi chưa.


 

 


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com