Thứ 5, 12/09/2024 | 15:44

Thư mời chào giá v/v mời chào giá dịch vụ vệ sinh công nghiệp năm 2025

Thư mời chào giá v/v mời chào giá dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải y tế

Thư mời chào giá

BẾ GIẢNG ĐÀO TẠO LIÊN TỤC “HỒI SỨC CẤP CỨU CƠ BẢN CHUYÊN NGÀNH HÔ HẤP”

Thư mời chào giá

 

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT)

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT)

23/06/2022

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại, trong đó khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính, ô nhiễm không khí và khói chất đốt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây BPTNMT. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh.


 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được chia làm hai dạng, bao gồm:

Viêm phế quản mạn tính: Là tình trạng lớp niêm mạc của các ống phế quản bị viêm. Lớp lót trong các ống phế quản phổi bị sưng tấy, đỏ và chứa đầy các chất nhầy. Các chất nhầy này là nguyên nhân gây hẹp đường thở.

 Khí phế thũng: Là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến các túi phổi bị suy yếu và vỡ ra, thay thế phần không gian nhỏ bằng không gian lớn, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.

Các dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ban đầu có thể bao gồm:

+ Cảm thấy khó thở, đặc biệt là trong các hoạt động thể chất;

+ Thở khò khè;

+ Tức ngực;

+ Ho có đờm kéo dài;

+ Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên;

+ Thiếu năng lượng;

+ Giảm cân ngoài ý muốn (trong giai đoạn sau);

+ Sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân;

+ Sốt nhẹ và cảm giác ớn lạnh.

Những người mắc bệnh cũng có khả năng trải qua các đợt cấp trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hàng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy, corticoid…chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại.

Nguyên nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

+ Hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khỏi thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh;

+ Bụi nghề nghiệp, hữu cơ và vô cơ;

+ Ô nhiễm không khí trong nhà từ sưởi ấm và nấu ăn bằng khối sinh học trong môi trường thông khí kém;

+ Ô nhiễm không khí môi trường bên ngoài;

+ Nhiễm trùng;

+Yếu tố cơ địa: Tăng tính phản ứng của phế quản là yếu tố nguy cơ làm phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tăng tính phản ứng phế quản thấy ở 8 - 14% người bình thường. Thiếu α1 - antitrypsin là yếu tố di truyền được xác định chắc chắn gây BPTNMT và giãn phế nang.

+ Tuổi: Tỉ lệ bệnh gặp cao hơn ở người già.

+ Chế độ dinh dưỡng lúc còn nhỏ, thiếu các vitamin A, D, E có liên quan tới việc tăng tỉ lệ bệnh.


 

 

Những bệnh đồng mắc với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:

+ Bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim, tim thiếu máu, loạn nhịp tim, bệnh mạch máu ngoại biên;

+ Bệnh hô hấp: Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, ung thư phổi, gián phế quản, lao phổi;

+ Trào ngược dạ dày, thực quản;

+ Hội chứng chuyển hóa và tiểu đường;

+ Loãng xương;

+ Lo âu, trầm cảm.

Phương pháp điều trị chung:

- Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ: Ngừng tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc...

- Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào: Cai thuốc là biện pháp rất quan trọng ngăn chặn bệnh tiến triển nặng lên. Trong cai thuốc, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai giúp người bệnh cai thuốc dễ dàng hơn.

- Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp: Nhiễm trùng đường hô hấp (cúm và viêm phổi...) là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp BPTNMT. Việc tiêm phòng vắc xin có thể làm giảm các đợt cấp nặng và giảm tỷ lệ tử vong.

+ Tiêm phòng vắc xin cúm vào đầu mùa thu và tiêm nhắc lại hàng năm cho các đối tượng mắc BPTNMT.

+ Tiêm phòng vắc xin phế cầu mỗi năm 1 lần và được khuyến cáo ở bệnh nhân mắc BPTNMT giai đoạn ổn định.

- Phục hổi chức năng hô hấp.

- Các điều trị khác: Vệ sinh mũi họng thường xuyên; giữ ấm cổ ngực về mùa lạnh; phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt; phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc.

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định BPTNMT khi người bệnh thăm khám và điều trị tại Bệnh viện 74 Trung ương:

- Đo chức năng hô hấp: Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nặng BPTNMT.

- X-quang phổi: Giai đoạn muộn có hội chứng phế quản hoặc hình ảnh khí phế thũng. X-quang phổi giúp phát hiện một số bệnh phổi đồng mắc hoặc biến chứng của BPTNMT như: u phổi, giãn phế quản, lao phổi, xơ phổi, tràn khí màng phổi, suy tim, bất thường khung xương lồng ngực, cột sống...

- Chụp cắt lớp vi tính: Giúp phát hiện tình trạng giãn phế nang, bóng kén khí, phát hiện sớm ung thư phổi, giãn phế quản…

- Điện tâm đồ: Ở giai đoạn muộn có thể thấy các dấu hiệu của tăng áp động mạch phổi và suy tim phải.

- Siêu âm tim: Để phát hiện tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải giúp cho chẩn đoán sớm tâm phế mạn.

- Đo độ bão hòa oxy qua da (SpO2) và khí máu động mạch: Đánh giá mức độ suy hô hấp, hỗ trợ cho quyết định điều trị oxy hoặc thở máy. Đo SpO2 và xét nghiệm khí máu động mạch được chỉ định ở tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp hoặc suy tim phải.

BPTNMT không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên việc điều trị có thể giúp hầu hết những người mắc bệnh kiểm soát triệu chứng và  chất lượng cuộc sống tốt, cũng như giảm nguy  mắc các bệnh liên quan khác. Việc thực hiện thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cần được các bác sĩ có chuyên môn, được đào tạo bài bản cùng với trang thiết bị y tế hiện đại sẽ đem lại kết quả điều trị tối ưu cho người bệnh.

Bệnh viện 74 Trung ương là một trong những cơ sở y tế chuyên sâu điều trị các bệnh lý về hô hấp, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khách hàng hãy đến với Bệnh viện chúng tôi để được thăm khám và điều trị kịp thời./.

 

 

Bệnh nhân đến khám BPTNMT tại Bệnh viện 74 Trung ương

 

PHÒNG ĐÀO TẠO - NCKH & CĐT.

 

 


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com