Thứ 5, 25/04/2024 | 08:33

Thư mời chào giá

THƯ MỜI CHÀO GIÁ

THƯ MỜI CHÀO GIÁ

Thư mời

Thư mời chào giá

 

VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ

VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ

24/08/2022

Đo chức năng hô hấp là gì?

Đo chức năng hô hấp (thăm dò chức năng hô hấp) là sử dụng các phương pháp để đánh giá hoạt động chức năng của bộ máy hô hấp. Nó bao gồm chức năng thông khí phổi, chức năng vận chuyển khí của máu và vai trò điều hòa của các trung tâm hô hấp.

Đo chức năng hô hấp được vận hành bằng máy đo dòng khí khi thở ra, hít vào, qua đó giúp tính toán các chỉ số quan trọng để kiểm tra chức năng phổi. Bên cạnh đó, kỹ thuật này thường được vận dụng trong hoạt động chẩn đoán, đánh giá và theo dõi giai đoạn tiến triển, mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là 2  hội chứng điển hình về rối loạn thông khí (hội chứng hạn chế và tắc nghẽn).

Các chỉ số thu được sau khi đo chức năng thông khí không chỉ tiết lộ chính xác các thông tin về lưu lượng không khí tuần hoàn trong phổi và phế quản, mà còn có giá trị trong việc kiểm tra tính chất nghiêm trọng của tình trạng giãn phế nang cũng như độ tắc nghẽn của phế quản.

Kết quả đo chức năng hô hấp sẽ được thể hiện bằng số liệu cụ thể và bằng phần trăm so với giá trị của một người bình thường. Các trị số đo được của chức năng hô hấp ở người bệnh sẽ được biểu diễn dưới dạng một đường cong trong đó một trục thể hiện các số đo về lưu lượng khí lưu thông, trục còn lại thể hiện các số đo của các thể tích khí có trong phổi.

Đo chức năng hô hấp là phương pháp khá đơn giản và không gây đau cho bệnh nhân, hầu như không gây khó chịu hay tai biến. Độ chính xác của kết quả phụ thuộc vào sự hợp tác của người bệnh

Mục đích của đo chức năng hô hấp:

Là để biết được thông tin chính xác về lưu lượng không khí lưu thông trong phế quản và phổi ở người bệnh, động thời giúp đánh giá mức độ tắc nghẽn và mức độ trầm trọng của giãn phế nang.

Ngoài ra, tiến hành đo chức năng hô hấp còn nhằm mục đích đánh giá chuẩn xác tình trạng bệnh lý của phổi hay theo dõi đáp ứng hiệu quả điều trị ở người bệnh.

Người bệnh được chỉ định đo chức năng hô hấp trong các trường hợp:

- Các chẩn đoán cần thiết:

Chẩn đoán các bệnh lý hô hấp, khi có các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm khác bất thường như: khó thở, khò khè, ngồi thở, thở ra khó khăn, ho đờm kéo dài, ho khan kéo dài, dị dạng lồng ngực;

Đánh giá các dấu hiệu, triệu chứng hoặc bất thường nghi ngờ do bệnh hô hấp; đánh giá ảnh hưởng của bệnh trên chức năng phổi;

Sàng lọc các trường hợp có yếu tố nguy cơ với bệnh phổi;

Đánh giá tiên lượng trước phẫu thuật;

Đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi làm nghiệm pháp gắng sức.

- Theo dõi, lượng giá mức độ đáp ứng điều trị, diễn tiến bệnh:

Theo dõi các yếu tố: chức năng thông khí phổi bị ảnh hưởng như thế nào từ bệnh, các yếu tố nguy cơ tác động như thế nào đến phổi, phản ứng phụ sau khi dùng thuốc;

Đánh giá: mức độ bệnh, mức độ thương tật, khả năng hồi phục khi tham gia chương trình vật lý trị liệu.

- Tầm soát bệnh trên đối tượng có nguy cơ cao:

Người hút thuốc lá; người làm việc nơi có khói và hóa chất độc hại.

Chống chỉ định thực hiện đo chức năng hô hấp với những bệnh:

Đau ngực hoặc ho ra máu nhưng không rõ nguyên nhân;

Nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tràn khí màng phổi;

Nhồi máu cơ tim, tim mạch bất ổn định (bị thuyên tắc phổi hoặc mới bị nhồi máu cơ tim);

Trải qua phẫu thuật bụng, ngực, mắt dưới 3 - 6 tháng;

Phình động mạch chủ bụng, ngực;

Vừa trải qua đợt hen suyễn, đợt cấp của COPD dưới 6 tuần;

Đang gặp phải những biểu hiện cấp tính như tiêu chảy, nôn ói;

Ngực đau thắt trong 24 giờ;

Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh và không hợp tác khi thực hiện đo chức năng hô hấp.

Các bước tiến hành đo chức năng hô hấp:

Thông thường bệnh nhân được yêu cầu làm 2 động tác chính:

Động tác thứ nhất: hít vào thở ra bình thường, sau đó được yêu cầu hít vào sâu thật hết sức, rồi thở ra thật hết sức.

Động tác thứ hai: hít vào thở ra bình thường, rồi sau đó được yêu cầu hít vào thật hết sức và thổi ra thật nhanh, thật mạnh, hết sức có thể, và tiếp tục thở ra cho đến khi ít nhất 6 giây.

Một số lưu ý trong việc đo chức năng hô hấp:

Mặc quần áo rộng rãi khi đo;

Trước khi đo không được hút thuốc lá;

Trong khoảng 4 giờ trước khi đo thì không được uống rượu;

Trong vòng 30 phút trước khi đo không được vận động nặng;

Không ăn no trong vòng 2 giờ trước khi đo;

Trong trường hợp bệnh nhân đo hô hấp lần đầu tiên để chẩn đoán bệnh thì không được sử dụng thuốc giãn phế quản.

Khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu của hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh gặp những biến chứng về sau. Tại bệnh viện 74 Trung ương, bên cạnh trang thiết bị y tế hiện đại người bệnh sẽ được thăm khám trực tiếp bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu trong việc điều trị các bệnh lý hô hấp, các bệnh lý liên quan đến phổi. Bệnh viện chúng tôi sẽ luôn là địa chỉ tin cậy để người dân gửi gắm chăm sóc sức khỏe./. 

PHÒNG ĐÀO TẠO-NCKH&CĐT


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com