Chủ nhật, 24/11/2024 | 21:15

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

 

Bệnh lao phổi là gì?

Bệnh phổi. Hiện nay lao là bệnh nhiễm khuẩn chính và thường gặp nhất, ảnh hưởng đến 2 tỉ người tức 1/3 dân số, với 9 triệu ca mới mỗi năm, gây 2 triệu người tử vong, hầu hết ở các nước đang phát triển.

05/03/2013

Vi trùng lao lan truyền như thế nào?

Bệnh lao phổi là tình trạng phổi bị viêm do vi trùng lao gây nên. Bệnh này do vi trùng lây truyền từ người này sang người khác qua không khí. Vi trùng lao ngoài gây bệnh ở phổi còn có thể gây bệnh ở một số cơ quan khác như não, thận, hạch, cột sống vv…

Vi trùng lao lan truyền như thế nào?

Khi bệnh nhân bị lao phổi ho, hắt hơi, nói chuyện hay hát thì vi trùng lao trong phổi của họ được bắn ra ngoài không khí và những ai hít phải chúng có khả năng mắc bệnh lao. Vi trùng lao có thể sống trong không khí vài giờ tùy vào điều kiện môi trường.

Vi trùng lao không lây truyền qua: bắt tay, ăn uống chung, dùng chung bàn chải đánh răng hay thậm chí hôn nhau.

Sự khác nhau giữa nhiễm lao và bệnh lao?

Không phải ai bị nhiễm vi trùng lao đều bị bệnh lao, chính vì thế chúng ta cần phải phân biệt nhiễm lao và bệnh lao.

Nhiễm lao là người bệnh có vi trùng lao trong người nhưng họ chưa bị bệnh vì vi trùng lao chưa hoạt động. Đa phần những người hít phải vi trùng lao vào người đều có khả năng chống lại vi trùng này làm cho nó bất hoạt (không hoạt động được). Những người này không có triệu chứng bệnh lao và họ cũng không lây truyền bệnh cho những người khác. Dấu hiệu nhận biết nhiễm lao là test da (IDR) dương tính hay thử máu dương tính.  Tuy nhiên, những người này có thể sẽ bị mắc bệnh lao sau đó khi vi trùng lao trở nên hoạt động. Ở những nước phát triển với số lượng bệnh nhân bị lao ít, những người này được cho uống thuốc để ngừa đừng cho bệnh lao xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, ở Việt Nam những người này chưa được bác sĩ điều trị do tỷ lệ nhiễm lao ở nước ta khá cao và chúng ta chỉ đủ khả năng để kiểm soát bệnh lao chứ không phải nhiễm lao.

Những người bị bệnh lao là khi vi trùng lao hoạt động trong cơ thể họ do sức đề kháng của họ không ngăn nổi sự phát triển của vi trùng lao. Hậu quả là vi trùng lao làm tổn thương cơ thể họ. Những người này sẽ có những triệu chứng về bệnh lao nói chung (như trình bày bên dưới) và nếu họ bị lao phổi thì sẽ có thêm các triệu chứng ở phổi. Những người bị lao ở phổi hay ở vùng hầu họng có thể lây truyền vi trùng cho những người khác. Nhiều người bị bệnh lao rất nhanh sau khi bị nhiễm vi trùng lao do sức đề kháng với vi trùng lao quá yếu nhưng cũng có người bị bệnh sau khi bị nhiễm nhiều năm khi hệ miễn dịch của họ trở nên yếu đi do nhiều lý do.

Phân biệt nhiễm lao và bệnh lao

Một người bị nhiễm lao

Một người bị bệnh lao

• Không có triệu chứng

• Có triệu chứng nhiễm lao chung và triệu chứng tại chỗ như tại phổi nếu bị lao phổi

• Không cảm thấy mình bị bệnh

• Cảm thấy mình bị bệnh

• Không lây truyền bệnh

• Có thể lây truyền bệnh

• Thường có IDR dương tính hay thử máu dương tính chứng tỏ có nhiễm lao

• Thường có IDR dương tính hay thử máu dương tính chứng tỏ có nhiễm lao

• X-quang phổi bình thường và xét nghiệm đàm âm tính

• X-quang phổi có thể bất thường và xét nghiệm đàm trực tiếp hay nuôi cấy dương tính

• Điều trị phòng ngừa khi cần

• Cần phải điều trị ngay

Triệu chứng của bệnh lao phổi là gì?

Người bị mắc bệnh lao phổi sẽ có các triệu chứng biểu hiện chung toàn thân và biểu hiện riêng tại phổi.

- Triệu chứng toàn thân:

Các triệu chứng toàn thân bao gồm  mệt mỏi, biếng ăn, gầy ốm, sụt cân, sốt, ra mồ hôi. Gầy ốm và sụt cân là triệu chứng gặp ở số đông người lao phổi. Những bệnh nhân gầy ốm và sụt cân không có nguyên nhân rõ ràng cần phảo tầm soát bệnh lao phổi. Sốt có thể là sốt cao, từng lúc hay liên tục nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc chỉ là cảm giác ớn lạnh về chiều tối.

- Triệu chứng về hô hấp:

Các triệu chứng quan trọng nhất là: ho, khạc đờm, đau ngực và khó thở.

Ho là triệu chứng phổ biến của mọi bệnh hô hấp cấp hoặc mạn tính như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi v.v… Những bệnh nhân ho trên 3 tuần cần phải được chụp hình phổi để loại trừ lao phổi. Một triệu chứng mang tính báo động cao trong chẩn đoán bệnh lao phổi đó là ho ra máu. Tại Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu của ho ra máu là lao phổi, tiếp theo là ung thư phổi và dãn phế quản. Các bệnh lý tại phổi như viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi,  v.v…hay ngoài phổi  như bệnh tim mạch (suy tim, tăng huyết áp…), bệnh toàn thân (rối loạn đông máu, chảy máu, thiếu hụt vitamin C…) cũng có thể gây ho ra máu.

Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do tình trạng viêm nhiễm trong đường hô hấp. Do vậy, mọi nguyên nhân gây viêm nhiễm đường hô hấp (do vi trùng hay không do vi trùng) đều có thể gây ra tình trạng khạc đàm cấp tính hay kéo dài.

Các yếu tô nguy cơ nào dễ gây mắc bệnh lao?

Một vài người có thể bị bệnh lao ngay sau khi bị nhiễm lao (trong vài tuần) trước khi hệ miễn dịch của họ có thể chống lại vi trùng lao. Những người khác có thể bị bệnh vài năm sau khi nhiễm khi hệ miễn dịch của họ suy giảm. Khoảng 5 đến 10% người bị nhiễm lao mà không được điều trị phòng ngừa có thể bị bệnh lao sau đó. Những người mà hệ miễn dịch của họ suy giảm, đặc biệt là những người bị nhiễm HIV, sẽ có nguy cơ bị bệnh lao cao hơn những người có hệ miễn dịch bình thường.

Nói chung những người có nguy cơ cao bị bệnh lao thuộc vào 2 nhóm:

(1). Những người bị nhiễm lao gần đây: người tiếp xúc gần với người bị bệnh lao; người ở vùng có nhiều người mắc bệnh lao; trẻ em dưới 5 tuổi có IDR (+); người nghiện thuốc, nhiễm HIV, có điều kiện sống thấp và vệ sinh kém; và nhân viên y tế làm việc với bệnh nhân lao

(2). Những người mắc bệnh làm suy giảm miễn dịch: trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ thường có hệ miễn dịch kém và những người khác nếu mắc các bệnh sau đây thường có hệ miễn dịch kém: nhiễm HIV, nghiện thuốc, bệnh bụi phổi do silic, đái tháo đường, suy thận mạn, gầy ốm, ghép tạng, ung thư đầu cổ, dùng corticoid kéo dài và thấp khớp hay bệnh crohn

Bệnh lao được chẩn đoán như thế nào?

Khi một người bị nghi ngờ mắc bệnh lao phổi, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh này sau khi tổng hợp các thông tin sau đây: Triệu chứng lâm sàng phù hợp, Xquang phổi có bất thường và có dấu hiệu nhiễm lao (IDR hay thử máu dương tính).

-  Xquang phổi: Bất thường hay gặp trong lao phổi là hình ảnh tổn thương dạng thâm nhiễm ở vùng đỉnh phổi. Nếu nặng hơn khi có phá hủy nhu mô phổi thì tổn thương sẽ là hang lao.

-  IDR: là xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm lao bằng cách tiêm một lượng nhỏ tuberculin vào da ở vùng cẳng tay. Người được chích chất này phải trở lại để đo đường kính của nốt sưng phồng do phản ứng của cơ thể tại chỗ chích từ 48 đến 72 giờ sau khi chích. Nếu IDR dương tính có ý nghĩa là người được xét nghiệm đã từng tiếp xúc với vi trùng lao hay đã từng nhiễm lao. Điều này không có nghĩa là người đó đã bị bệnh lao mà để khẳng điều này cần phải có thêm vài xét nghiệm nữa như x-quang phổi hay xét nghiệm vi trùng lao trong đàm.

- Thử máu về tình trạng nhiễm lao: Có một vài xét nghiệm đặc biệt gọi là huyết thanh chẩn đoán để giúp xác định người được thử có từng tiếp xúc với vi trùng lao hay chưa. Nếu xét nghiệm này dương tính thì có nghĩa là người đó đã từng tiếp xúc với vi trùng lao (giống như IDR).

- Thử đàm tìm vi trùng lao: Người thử được yêu cầu khạc đàm vào những lọ sạch (do nhân viên y tế phát) vào buổi sáng sớm khi vừa mới ngủ dậy. Thường cần phải khạc vào 3 lọ trong 3 ngày liên tiếp để tăng khả năng tìm thấy vi trùng lao. Khi tìm thấy vi trùng lao trong đàm thì chứng tỏ vi trùng lao đang hoạt động và gây bệnh trong đường hô hấp. Khi đó khả năng lây bệnh lao cho người khác sẽ rất cao và người bệnh đươc yêu cầu phải cách ly trong thời gian điều trị để tránh lây lan cho người khác. Nếu xét nghiệm vi trùng lao trong đàm âm tính thì không có nghĩa là người được thử không bị bệnh lao mà có đến gần 50% người bị bệnh lao thực sự nhưng không tìm thấy vi trùng lao trong đàm. Tuy nhiên những đối tượng này ít có khả năng lây bệnh cho người khác hơn những người có xét nghiệm vi trùng lao trong đàm dương tính.

- Cấy đàm tìm vi trùng: Người thử cũng được yêu cầu lấy đàm để cấy tìm vi trùng lao. Mẫu đàm đó sẽ được nhân viên y tế xử lý và nuôi cấy trong một môi trường đặc biệt để vi trung lao mọc. Nếu vi trung lao mọc trên mẫu thử thì khả năng chẩn đoán bệnh lao được chính xác nhất. Ngoài ra, qua nuôi cấy, người ta cũng làm kháng sinh đồ để xem tình trạng kháng thuốc của vi trùng để lựa chọn thuốc điều trị được tối ưu. Nhưng nhược điểm của xét nghiệm này là mất khoảng 1 tháng mới có kết quả do vậy trong nhiều trường hợp bác sĩ phải quyết định điều trị trước khi đợi kết quả xét nghiệm này.

Điều trị bệnh lao như thế nào?

- Nhiễm vi trùng lao: bác sĩ có thể cho uống thuốc viên (theo phác đồ phòng ngừa và tùy theo đối tượng) hoặc theo dõi định kỳ bằng chụp X quang phổi.

- Bệnh lao: Người bệnh dùng một vài loại thuốc trụ sinh đặc biệt hay thuốc kháng lao trong ít nhất 6 tháng. Các loại thuốc kháng lao hay được sử dụng gồm Streptomycine, Rifamycine, Isoniazid, Pyrazynamide và Ethambutol. Ngoài ra tùy trường hợp mà bác sĩ phải dùng một số loại thuốc kháng sinh khác. Thuốc lao có tác dụng hiệp đồng và vi trùng lao là loại vi trùng mạnh nên người bệnh thường được cho thuốc kết hợp (đa trị liệu) và liên tục trong một thời gian dài. Do vậy cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế theo nguyên tắc “ĐÚNG, ĐỀU, ĐỦ” nghĩa là người bệnh phải dùng thuốc đúng thuốc, đúng liều lượng, dùng đều đặn liên tục không gián đoạn và dùng đủ thời gian cần thiết. Nhiều người bệnh tự ý giảm liều thuốc hay bỏ bớt thuốc hoặc sau một thời gian điều trị thấy khỏe tưởng hết bệnh nên tự động ngưng thuốc sẽ đưa đến hậu quả là vi trùng lao trở nên kháng thuốc và việc điều trị sau đó trở nên rất khó khăn và tốn kém. Người bị bệnh lao có thể khỏi bệnh khi kết thúc quá trình trị liệu. Người bị bệnh lao nếu không được điều trị có thể trở nên trầm trọng, và dẫn đến tử vong.

Phòng bệnh lao như thế nào?

- Chích ngừa lao bằng Bacille Calmette-Guérin (BCG). BCG là một loại vắc-xin chích ngừa lao. Thuốc này được chích cho trẻ em ở nước ta theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên không phải ai đã từng chích vắc-xin này cũng đều ngừa được bệnh vì không có vắc-xin nào có khả năng bảo vệ 100%.  Tiêm vắc xin BCG cho trẻ nhỏ có thể phòng được lao màng não và các thể lao nặng khác ở trẻ dưới 5 tuổi. Vắc-xin BCG không tiêm cho trẻ trên 12 tháng tuổi vì tỉ lệ bảo vệ rất khác nhau và ít chắc chắn.  Để có tác dụng cần tiêm đúng kỹ thuật và liều lượng với Vắc-xin phải được bảo quản đúng.

- Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh lao. Đặc biệt là những đối tượng dễ mắc bệnh lao cần phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người bị bệnh lao.

- Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khỏe mạnh để tăng cường sức đề kháng của cơ thể nhằm có thể chống được bệnh lao nếu không may bị vi trùng lao xâm nhập vào cơ thể.

ThS. Nguyễn Như Vinh


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com