Thứ 3, 21/05/2024 | 09:31

BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN ĐẤU THẦU

Thư mời chào giá

HỌC TẬP NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW

HỘI NGHỊ NHÂN NGÀY VỆ SINH TAY TOÀN CẦU 05/5 VÀ NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/5

Về việc đính chính văn bản số 367/BV74TW-VTTBYT ký ngày 24/4/2024.

 

BỆNH LAO PHỔI XƯA VÀ NAY

Bệnh lao rất dễ lây từ người này qua người khác. Một người bị lao có thể lây truyền cho 10 - 15 người khác trong một năm.

14/07/2011

Tác giả : Thạc sĩ PHẠM NGỌC QUẾ (Chuyên khoa II về lao và bệnh phổi)

Lao là một bệnh truyền nhiễm, đã được y học nói đến từ vài nghìn năm trước với cái tên đáng sợ \"dịch hạch trắng\" vì rất dễ lây từ người này qua người khác. Một người bị lao có thể lây truyền cho 10 - 15 người khác trong một năm. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới tại Hội nghị quốc tế về lao lần thứ tư họp tại Mỹ (tháng 6/2002), trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có ít nhất trên 2 triệu người tử vong do lao và khoảng 8 triệu người bị mắc lao. Trong vòng 10 năm vừa qua (1990-2000) đã có gần 30 triệu trường hợp tử vong do lao. Vào giữa thế kỷ 20, nhờ việc tìm ra kháng sinh và một số thuốc hóa học chữa lao đặc hiệu nên tình hình mắc lao có giảm xuống, do đó nhiều quốc gia bắt đầu lơ là trong công tác phòng chống lao. Nhưng đến những năm cuối thập kỷ 90 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng bệnh lao đang có chiều hướng tăng trở lại, nhất là ở những nước đang phát triển; đồng thời xuất hiện thêm những nguy cơ mới như số bệnh nhân bị kháng thuốc tăng, lao phối hợp với nhiễm HIV/AIDS gây tử vong rất nhanh.

Nguyên nhân sinh bệnh và cách lây nhiễm lao

Nguyên nhân chính là do trực khuẩn Koch (do nhà vi trùng học người Ðức Robert Koch phát hiện năm 1882 và gọi tắt là BK). Ðây là một loại trực khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Trực khuẩn lao có thể sống vài tuần trong không khí và nước, nhưng khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao lại tồn tại đến 2-3 tháng. Ðường lây chủ yếu là qua đường hít thở (trực khuẩn có trong không khí do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi); Khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh; Do thức ăn, nước uống; Do ruồi mang trực khuẩn đến; Có trường hợp do uống sữa không đun sôi của bò bị lao. Một bệnh nhân lao phổi mỗi ngày có thể ho khạc ra 1 - 7 nghìn triệu trực khuẩn lao. Khi vào cơ thể, BK khu trú ở nhu mô phổi là chính, 85-90% lao phát triển ở phổi, còn lại có thể gây lao màng não, xương khớp, hạch, thận, ruột, da. Do đó nói đến lao, người ta nghĩ ngay đến lao phổi. Người mang BK trong cơ thể, y học gọi là nhiễm lao, nếu hệ miễn dịch tốt có thể vẫn khỏe mạnh. Nhưng đến một lúc nào đó, do hệ miễn dịch suy giảm như mắc một bệnh khác (cảm cúm, tiểu đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS...) hoặc uống những thuốc ức chế miễn dịch như corticoid thì nhiễm lao sẽ phát triển thành bệnh.

Làm thế nào để phát hiện lao phổi?

Trước hết là căn cứ vào những dấu hiệu thay đổi của cơ thể như:

- Ho khúc khắc kéo dài, có khi khạc ra đờm hoặc trong đờm lẫn máu.

- Cảm giác mỏi mệt toàn thân, chán ăn, sụt cân trong những tháng đầu.

- Cứ về chiều lại hơi bị sốt, theo dõi thân nhiệt thấy sáng và chiều cách nhau khoảng nửa độ, ví dụ sáng 370C, chiều 37,30C - 37,50C kéo dài nhiều ngày.

- Có trường hợp cảm thấy khó thở, tức ngực, có khi ho ra máu.

Lời khuyên quan trọng đối với mọi người là nếu thấy ho khạc kéo dài trên ba tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đờm tại bệnh viện.

Khi nghi ngờ bị bệnh lao, bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm để xác định như: soi đờm tìm BK, chiếu hoặc chụp X-quang phổi, làm các xét nghiệm chức năng hô hấp, xét nghiệm máu... Ngoài ra còn có những phương pháp khác để khẳng định rõ hơn như chụp X-quang cắt lớp phổi, nuôi cấy đờm tìm BK và xác định mức độ kháng thuốc.

Xét nghiệm đờm tìm BK là tiêu chuẩn quan trọng để điều trị sớm, tránh được lây lan sang những người chung quanh.

Có thể phòng được bệnh lao không?

Ðến nay vẫn có nhiều người sợ bị lây bệnh lao khi phải tiếp xúc, chăm sóc người bệnh hoặc trong gia đình có người bị lao. Suy nghĩ đó không đúng vì chắc chắn chúng ta có thể phòng và ngăn chặn được việc lây và mắc bệnh. Ngày nay cho trẻ tiêm BCG là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng tránh bệnh lao. BCG là tên một loại vaccin phòng lao do hai nhà vi trùng học người Pháp là Can-mét và Gê-rin tìm ra, có hiệu quả trên 90% khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu và tiêm nhắc lại khi đến 15 tuổi. Trong chương trình chống lao của nước ta, tiêm BCG được lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng phòng 6 bệnh hay lây cho gần 100% trẻ em dưới 5 tuổi.

Việc phòng chống bệnh lao lây lan là nhiệm vụ của bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân và toàn xã hội. Với người bệnh: không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất, khi bệnh đang phát triển cần được ngủ riêng giường, dùng bát đũa, cốc chén riêng và phải luộc sôi sau khi dùng; Áo quần, chăn màn hàng tuần phải được luộc sôi sau khi giặt; Khi nói chuyện có thể đeo khẩu trang; Kiên trì điều trị lao đúng thời gian và hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn. Người bệnh phải khạc nhổ đờm vào ống nhổ riêng, sau đó đem ngâm trong nước vôi, nước crezin 4% hoặc nước clorua vôi 2% rồi mới đổ vào cầu tiêu hoặc chôn xuống đất; Người chăm sóc hoặc tiếp xúc với bệnh nhân cần nhắc nhở và giúp đỡ họ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống lao.

Vấn đề điều trị bệnh lao hiện nay

Trước kia, khi chưa có các kháng sinh và thuốc chống lao đặc hiệu thì lao vẫn được liệt là một trong những bệnh nan y, như người xưa đã nói \"lao, phong, cổ, lại, tứ chứng nan y\". Từ giữa thế kỷ 20, khi kháng sinh Streptomycin và một số hóa dược đặc hiệu trị lao ra đời như INH, PAS thì y học đã có những vũ khí hữu hiệu chữa khỏi bệnh lao. Trong vài chục năm trở lại đây, người ta đã lần lượt tìm ra những loại thuốc đặc hiệu vừa ít độc tính vừa mang lại hiệu quả cao hơn như Pyrazinamid, Ethambutol, Rifampicin, giúp chữa khỏi bệnh lao dễ dàng hơn. Ngày nay, do việc trị liệu bằng thuốc đặc hiệu đem lại hiệu quả chắc chắn nên nhiều phương pháp điều trị trước đây như bơm hơi ép phổi, phẫu thuật không còn được chú ý đến. Qua kinh nghiệm phòng chống và điều trị lao nhiều năm trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển có tỷ lệ lây nhiễm và mắc lao cao, Tổ chức Y tế Thế giới đã phổ biến và ứng dụng một công thức điều trị lao gọi là \"Ðiều trị ngắn ngày có kiểm soát\" (tiếng Anh viết tắt là DOTS) dùng phối hợp 4 loại thuốc chống lao đặc hiệu. Công thức đã được các nước trên thế giới hoan nghênh và ứng dụng đạt kết quả chữa khỏi bệnh cho hơn 90% bệnh nhân lao. DOTS vừa giúp rút ngắn thời gian điều trị từ 12-18 tháng trước đây xuống còn 6 tháng, lại vừa rẻ tiền và phù hợp với điều kiện kinh tế của mọi quốc gia.

Từ 20 năm qua, ngành y tế nước ta đã áp dụng công thức điều trị DOTS nói trên, và kết quả đã chữa khỏi cho trên 90% bệnh nhân lao mới phát hiện.

Theo Ybacsi.com


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com