Chủ nhật, 24/11/2024 | 09:28

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

 

Bệnh lao và biến chứng nguy hiểm

(GĐVN) Hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỉ người nhiễm lao, chiếm khoảng ¼ dân số thế giới.

04/07/2013

Bệnh lao và lao lực có giống nhau?
Bệnh lao là một bệnh danh trong y học trong đó có sự nhiễm vi khuẩn lao vào cơ thể và gây bệnh ở các cơ quan. Khi vi khuẩn lao nhiễm vào cơ quan nào thì cơ quan đó bị bệnh. Không nhất thiết chỉ có lao phổi mà chúng ta còn có một số bệnh lao khác. Đó là lao xương, lao khớp, lao màng hạch, lao màng bụng, lao màng não. Tuy nhiên, bệnh lao phổi là bệnh hay gặp hơn cả và lại là bệnh nặng nhất cho nên lao phổi hay được mọi người nhắc tới. Hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỉ người nhiễm lao, chiếm khoảng ¼ dân số thế giới.
Bệnh lao, hay lao phổi không đồng nghĩa với lao lực và hai thuật ngữ này hoàn toàn không giống nhau. Lao lực chỉ là một thuật ngữ ám chỉ tình trạng quá sức, gắng sức hơn khả năng chịu đựng của cơ thể. Cơ thể bị mất sức mà không được hồi phục đầy đủ gây ra gầy, yếu, suy kiệt và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Trong khi đó, bệnh lao hoàn toàn do vi khuẩn lao. Bất kể bạn gắng sức hay không gắng sức, bạn lao động hay không lao động, miễn là nhiễm vi khuẩn lao vào cơ thể với tải lượng đủ lớn thì bạn sẽ bị mắc bệnh lao.
Chính vì sự khác nhau cho nên chúng ta không bao giờ được nhầm lẫn giữa hai tình trạng này. Vì cách điều trị khác nhau và mức độ nguy hiểm cũng hoàn toàn khác nhau. Với lao phổi, không thể không điều trị nhưng với lao lực thì chỉ cần nghỉ ngơi là đủ.
Bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng có đặc điểm là vi khuẩn gây bệnh rất nguy hại và có thể kháng thuốc. Nếu không được điều trị bài bản và dứt điểm thì vi khuẩn sẽ kháng thuốc ngay và chúng ta ít có cơ hội khỏi bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta nhanh chóng đặt dấu chấm hết cho cuộc sống.
Tuy nhiên, vi khuẩn lao lại có sức đề kháng không cao. Cho nên, chúng ta chỉ cần vệ sinh sạch sẽ là coi như có thể diệt mầm bệnh an toàn. Vi khuẩn lao rất dễ chết bởi ánh sáng, xà phòng, các dung dịch diệt trùng, các dung dịch sát trùng. Cho nên vệ sinh chống nhiễm lao là vô cùng quan trọng.
Như trên đã nói, trong các bệnh lao thì bệnh lao phổi là hay gặp và nguy hiểm nhất. Chúng ta thường bị nguy hại sức khoẻ do biến chứng của bệnh này gây ra.


Ba biến chứng đáng sợ của lao phổi
Nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta chậm trễ trong việc điều trị, lao phổi có thể làm nguy hại tới tính mạng bởi ba biến chứng sau:
Tràn dịch tràn khí màng phổi.
Tràn dịch màng phổi là hiện tượng màng phổi bị ứ dịch đầy trong khoang màng phổi. Còn tràn khí là hiện tượng khí xâm nhập đầy trong khoang màng phổi. Khí và dịch là từ phổi đi ra, vào trong khoang này.
Thường thì khoang màng phổi không có khí và cũng chẳng có dịch. Khoang này chỉ có một chút dịch nhờn để bôi trơn. Nó có tác dụng làm phổi nở ra trong hô hấp, hít vào thở ra được dễ dàng.
Khi bị lao phổi, vi khuẩn lao làm thông thương giữa phổi và khoang này làm dịch và khí tràn ra một cách ồ ạt. Nếu như chỉ có thế thì sẽ không có gì nguy hiểm. Nhưng sự nguy hiểm ở chỗ, khí và dịch tràn ra nhiều quá sẽ ép phổi lại còn một thể tích rất nhỏ. Thể tích này không thể cung cấp đủ khí. Người bệnh sẽ bị ngạt thở mà chết. Kiểu tử vong này gần như kiểu chết đuối trên cạn. Do vậy, cần xử lý ngay tình trạng dịch và khí để khai thông sự dễ thở cho nạn nhân.
Ho ra máu.
Ho ra máu là tình trạng người bệnh ho và khạc ra máu. Ho ra máu là một dấu hiệu vi khuẩn lao đã thâm nhiễm vào phổi và bắt đầu phá huỷ phổi. Sự phá huỷ này theo chiều hướng phá tan cấu trúc và làm thủng mạch máu. Ban đầu chỉ là các mạch máu nhỏ ở phế nang. Sau rồi đến các mạch máu lớn.
Trong bất kỳ trường hợp nào ho ra máu, chúng ta cũng không được chủ quan vì ho ra máu là một cấp cứu nội khoa vô cùng quan trọng. Nếu không cẩn thận thì nạn nhân có thể chết ngay trước sự ngỡ ngàng của người thân.
Chúng ta cần hiểu rằng, không có một ho ra máu nào là nhẹ cả, cho dù đó chỉ là dạng vết máu. Đó là vì máu luôn chảy ra rỉ rả ở trong phổi, tại vị trí vi khuẩn lao phá huỷ. Số lượng này tính tại một thời điểm là rất nhỏ, nhưng trong cả một ngày thì lại rất lớn. Đặc điểm của ho ra máu do lao là không tự cầm và chảy máu diện rộng. Thế cho nên người bệnh sẽ bị chảy máu rất nhiều và chỉ khi đến một mức độ nào đó mới khạc ra được.
Như đã lưu ý ở trên, ho ra máu có thể làm cho nạn nhân tử vong không kịp trở tay. Đó là vì khi vi khuẩn lao phá huỷ một mạch máu lớn thì lượng máu sẽ ồ ạt chảy ra. Hoặc khi lượng máu quá nhiều người bệnh ộc ra. Toàn bộ lượng máu này sẽ làm bít tắc đường phế quản trên diện rộng và người bệnh tắc thở, suy tuần hoàn và tử vong.
Xơ phổi.
Biến chứng thứ 3 cũng là biến chứng đáng ngại nhất đó là tình trạng xơ hoá phổi. Vi khuẩn lao phá huỷ phổi không ngừng. Chúng có thể làm hỏng một thuỳ nhỏ của phổi nhưng cũng có khi làm hỏng toàn bộ một bên phổi. Các vết phá huỷ này có đặc điểm là lan tràn và mang tính mãi mãi. Chúng ta không thể có một cơ chế nào, một biện pháp nào phục hồi được những tổn thương này.
Khi đã bị phá huỷ tan tác, phổi chỉ còn lại một lá xơ. Lá xơ này thủng lỗ chỗ và không hề có chức năng trao đổi khí. Người bệnh sẽ bị suy hô hấp dần mà tử vong.

Dấu hiệu nhận biết bệnh
Trước các biến chứng nguy hiểm trên, chúng ta cần biết phát hiện sớm bệnh lao và điều trị kịp thời. Điều trị ngay từ ban đầu có thể ngăn chặn toàn bộ các biến chứng này.
Các dấu hiệu nhận biết của bệnh bao gồm:
- Ho. Ho dai dẳng, ho mãi mà không hết. Ho mà không có triệu chứng như đau rát họng, chảy mũi, ngạt mũi. Ho nặng về sáng và chiều tối.
- Sốt. Sốt do lao ít khi sốt cao. Thường sốt nhẹ, dai dẳng và diễn ra vào chiều tối. Sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Tức là đã dùng thuốc hạ sốt vài ngày cho đến 1 tuần nhưng không thuyên giảm.
- Sút cân. Người bị bệnh lao có đặc điểm là mệt mỏi, ăn kém lại do rối loạn quá trình trao đổi khí ở phổi nên bị gầy sút cân. Gầy sút cân do lao diễn ra từ từ, vài tuần cho đến vài tháng. Đi kèm là hiện tượng gầy yếu và da xanh.
- Khạc đờm. Khạc đờm thường là ra đờm đặc và khó khạc. Không giống những bệnh phổi khác, đờm do lao thường đặc, hay xuất hiện vào sáng sớm và có thể có vết máu cũ. Do chảy máu hoặc do rối loạn đông máu.
- Ho ra máu. Ban đầu chỉ là ho ra vệt máu cũ. Nhưng sau thì người bệnh khạc ra máu tươi. Số lượng ban đầu có thể không nhiều nhưng ho nhẹ là ra. Ho ra máu thường xuất hiện vào đêm gần sáng và vào buổi sáng. Ho ra máu nặng lên khi người bệnh uống nước chè hay là hút thuốc. Có thể ộc ra máu tươi luôn.
- Soi đờm hoặc thử phản ứng miễn dịch với vi khuẩn lao đều dương tính. Hai xét nghiệm này rất đơn giản, hầu như mọi bệnh viện đa khoa và chuyên khoa lao và bệnh phổi đều có

Người bệnh lao nên điều trị ở đâu?

Ngay khi phát hiện ra mình đã có dấu hiệu nhiễm lao, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám cẩn thận và phát hiện chính xác.
Việc điều trị lao phải được tiến hành ngay, càng sớm càng tốt. Trong điều trị lao có 4 nguyên tắc cần nhớ: đủ thuốc, đủ liều, đủ thời gian và liên tục. Chúng ta tuyệt đối không được ngắt quãng dù chỉ 1 ngày. Vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại. Thường điều trị chia làm 2 đợt, đợt tấn công, thường gồm 4 thuốc và đợt duy trì, thường gồm 2 thuốc.
Điều trị lao được thực hiện ở tất cả các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực và bệnh viện tuyến trung ương. Thuốc điều trị lao hoàn toàn được nhà nước cấp miễn phí. Thế cho nên, bạn đừng ngần ngại mà khám và đi điều trị ngay tức khắc. Thuốc điều trị lao là chung trên toàn quốc, phác đồ điều trị là chung trên toàn quốc. Cho nên chúng ta không nên quan niệm cứ phải tuyến trung ương điều trị thì mới khỏi bệnh lao. Tất cả mọi nơi đều như nhau, hơn nhau chính là ở việc điều trị có tuân thủ nguyên tắc hay là không.
Trong quá trình điều trị lao, phải tránh xa thuốc lá, thuốc lào, chè và cà phê. Vì tất cả những thứ này làm nặng thêm biến chứng lao phổi và có thể làm cho nạn nhân tử vong trước khi đợt điều trị kết thúc.
Có một khẩu hiệu của ngành y tế về bệnh lao thế này: điều trị lao không liên tục còn có hại hơn là không điều trị. Mà không điều trị thì chắc chắn chúng ta bị tử vong sớm. Thế nên, tối quan trọng chúng ta phải đến khám và lĩnh thuốc định kỳ trong thời gian điều trị.
Trong khi và sau khi điều trị lao phải thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Đeo khẩu trang, dùng riêng dụng cụ sinh hoạt và giữ sạch sẽ, khô thoáng nhà ở. Đó là những công việc tối thiểu nhất bắt buộc phải thực hiện.

Bs. Nguyễn An Viên

Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com