Biến chứng đường hô hấp trên của thuốc tim mạch
Phản ứng phụ và biến chứng của thuốc vẫn xảy ra rất thường xuyên ngay cả khi được dùng đúng bởi các bác sĩ và các bệnh viện ở các nước có nền y học tiên tiến nhất.
Nhóm thuốc kháng men biệt hóa angiotensin (angiotensin-converting enzyme inhibitor, gọi tắt là ACE inhibitor) ngày càng được sử dụng rộng hơn trong điều trị bệnh tăng huyết áp và suy tim. Ngoài những tác dụng phụ thông thường của nhóm ACE inhibitor, một số bệnh nhân dùng thuốc còn bị các triệu chứng rất giống bệnh suyễn, viêm phù đường hô hấp trên và hội chứng tắc thở khi ngủ...
Tác dụng phụ thông thường
Các thuốc nhóm ACE inhibitor không được phép sử dụng cho phụ nữ có thai vì có khả năng gây các tổn thương bẩm sinh (quái thai). Người bị suy thận, suy gan nặng cũng như những bệnh nhân có phản ứng khác thường khi dùng thuốc cũng không được chỉ định điều trị bằng nhóm thuốc này. Biến chứng phổ biến nhất là ho, tăng kali huyết, giảm huyết áp mạnh, chóng mặt, nhức đầu, ngất xỉu, mệt và yếu, có vị mặn hoặc vị kim loại trong miệng, ngứa và có biểu hiện rất giống bệnh chàm (eczema). Những phản ứng này có thể kéo dài hàng tháng sau khi đã ngừng thuốc.
Thường thì bệnh nhân nào đã phản ứng với một trong các thuốc trong nhóm này sẽ có phản ứng tương tự với các thuốc khác. Một số phản ứng ít gặp nhưng có thể rất nguy hiểm của nhóm ACE inhibitor là: suy thận cấp, sốc phản vệ và triệu chứng dị ứng dữ dội, giảm bạch cầu và phù các tổ chức (dạng phù do mạch máu).
Biến chứng đặc biệt ở đường hô hấp trên
Các báo cáo tần số cao của biến chứng này trong lâm sàng ngày càng nhiều. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân đã bị điều trị sai do bác sĩ không phát hiện ra tác dụng phụ của thuốc mà chẩn đoán các triệu chứng này như một bệnh mới và chỉ định điều trị thêm bằng các thuốc đặc hiệu làm tăng thêm tác hại và không cải thiện được triệu chứng cho người bệnh.
Chỉ trong năm 1992, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho biết con số những phản ứng phụ ở đường hô hấp của nhóm ACE inhibitor được báo cáo là 318 trường hợp hen suyễn và co thắt phế quản, 516 trường hợp tắc nghẽn thở, 7.260 trường hợp ho nặng cần phải điều trị và rất nhiều trường hợp bị mẩn ngứa. Thống kê ở Thụy Điển cũng cho thấy nhiều phản ứng ở đường hô hấp đã xảy ra cho người dùng thuốc nhóm ACE inhibitor như: ho, suyễn, tắc nghẽn mũi, viêm và phù thanh quản. Với khoảng hơn 40% bệnh nhân, các phản ứng này xảy ra ngay ở tuần thứ nhất khi dùng thuốc, số còn lại có thể có phản ứng chậm hơn.
Trong những năm gần đây, một số công trình nghiên cứu đã đề cập tới hội chứng viêm phù mũi thanh quản dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn thở, ngáy ngủ và ngừng thở khi ngủ ở bệnh nhân dùng ACE inhibitor.
Thuốc chống viêm và thuốc điều trị suyễn thông thường có thể làm giảm triệu chứng cho bệnh nhân, bởi vậy, một số người này đã được tiếp tục điều trị như bệnh nhân bị hen suyễn, viêm mũi phù thanh quản mà không được chỉ định dùng thuốc là nguyên nhân gây ra các phản ứng bệnh lý này. Ngay cả khi được phát hiện và dừng sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể phải đợi cả tháng để các triệu chứng do thuốc ACE inhibitor suy giảm và biến mất.
Cơ chế của các phản ứng do nhóm ACE inhibitor gây ra ở đường hô hấp không liên quan đến phản ứng dị ứng. Các nhà khoa học giải thích hiện tượng này là kết quả của sự tăng tổng hợp của một chất hướng viêm bradykinin trong cơ thể người bệnh.
Hiện tượng phù do nhóm thuốc ACE inhibitor gây ra thường biểu hiện ở thanh quản, lưỡi, môi và mắt. Trường hợp tử vong chủ yếu do phù tắc thanh quản. Vì thế, khi phát hiện những triệu chứng có liên quan đến tác dụng của thuốc ACE-inhibitor, cần dừng thuốc ngay và tuyệt đối không được thay thế bằng bất kể biệt dược nào trong cùng nhóm này.
Khi dùng nhóm thuốc này cần chú ý đến tương tác thuốc. Nhóm thuốc ACE-inhibitor có thể làm tăng kali huyết nên phải được dùng thận trọng khi bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc có kali hoặc làm tăng kali như các thuốc lợi tiểu giữ kali: spironolactone, triamterene, amiloride… Các thuốc ACE inhibitor cũng làm tăng nồng độ của lithium trong máu nên có thể dẫn đến sự tăng tăng cường các phản ứng phụ của lithium. Nhóm kháng viêm không steroid như: aspirin, ibuprofen, indomethacin, naproxen… có thể làm giảm tác dụng của các ACE-inhibitor.
Bệnh nhân dùng thuốc tim mạch có thể bị các triệu chứng giống như bệnh suyễn.
Và các thuốc thế hệ mới
Losartan potassium (cozaar) với cơ chế phong tỏa trực tiếp thụ cảm thể của angiotensin II đã được báo cáo là có thể dùng thay các thuốc ACE inhibitor cho bệnh nhân có phản ứng viêm và phù. Một vài thuốc kháng cảm thụ quan angiotensin II tương tự như valsartan (diovan), candesartan cilexetil (atacand), irbesartan (avapro) và telmisartan (micardis) cũng được hy vọng là sẽ thay thế được cho bệnh nhân có phản ứng khi dùng ACE inhibitor.
Khác với những lạc quan mới đưa vào sử dụng mặc dù được ghi nhận là ít gây ra triệu chứng ở đường hô hấp trên hơn nhưng tổng kết một số báo cáo gần đây cho thấy, sau một thời gian được lưu hành các biến chứng và phản ứng phụ của cozaar, các chống chỉ định của nó cũng như tương tác với một số thuốc khác cũng gần tương tự như như những thuốc ACE inhibitor đã biết trước đây. Cozaar còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, đau và co thắt cơ.
Phản ứng phụ và biến chứng của thuốc vẫn xảy ra rất thường xuyên ngay cả khi được dùng đúng bởi các bác sĩ và các bệnh viện ở các nước có nền y học tiên tiến nhất. Các nghiên cứu cho thấy, thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tổn thương và cả tử vong cho bệnh nhân. Hiểu biết, thường xuyên cảnh giác đề phòng, phát hiện và khắc phục hợp lý các biến chứng của thuốc sẽ giúp người bệnh rất nhiều không những về mặt sức khỏe mà còn tiết kiệm được nhiều chi phí nữa.
TS. BS. Hoàng Xuân Ba (SKDS)
Bài viết khác
-
HỘI NGHỊ NGHIỆM THU BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/ SÁNG KIẾN CẢI TIẾN CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
HỘI ĐỒNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU -
TỔ CHỨC TẬP HUẤN CHO NHÂN VIÊN Y TẾ.
TỔ CHỨC TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT MARBURG; KỸ NĂNG -
HỘI THẢO KHOA HỌC THÁNG 4- NĂM 2023
HỘI THẢO KHOA HỌC THÁNG 4- NĂM 2023 -
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ TÀI NCKH/ SKCT CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ TÀI NCKH/ SKCT CẤP CƠ SỞ NĂM 2023 -
VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ
VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ -
VỚI PHƯƠNG PHÁP GÂY MÊ, TỪ NAY NGƯỜI BỆNH SẼ KHÔNG CÒN PHẢI LO SỢ MỖI KHI THỰC HIỆN NỘI SOI
VỚI PHƯƠNG PHÁP GÂY MÊ, TỪ NAY NGƯỜI BỆNH SẼ KHÔNG CÒN PHẢI LO SỢ MỖI KHI THỰC HIỆN NỘI SOI -
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO MÀNG PHỔI
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO MÀNG PHỔI -
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO PHỔI
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO PHỔI -
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT)
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT) -
DIỄN BIẾN DỊCH COVID-19 MỚI NHẤT
Tình hình dịch COVID-19 mới nhất, số liệu chính thức của Bộ Y tế, cập nhật hàng ngày.