Đã có phác đồ cứu sống bệnh nhân lao màng não
Lao màng não chiếm 5% tổng số các ca lao, xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não
Đây là thể bệnh lao nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong lên đến 35% và hiện chưa có thuốc phòng bệnh. Tuy nhiên, những người mắc lao màng não đã có thêm nhiều khả năng được cứu sống nhờ một phác đồ điều trị mới của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM): kết hợp thuốc chống lao và corticoide.
Sau 2 năm hợp tác nghiên cứu với Đại học Oxford (Anh) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã xác định, việc kết hợp thuốc chống lao và corticoide (cụ thể là Dexamethasone) có thể làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao màng não. Một trong những bệnh nhân được cứu sống gần đây nhất là chị H.M.N. (47 tuổi, An Giang), nhập viện ngày 26/5 trong tình trạng hôn mê. Trước đó 2 tuần, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, nhức đầu nhiều, điều trị ở mấy cơ sở y tế đều không bớt. Sau 2 ngày được dùng thuốc chống lao và Dexamethasone tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, tri giác của bệnh nhân đã cải thiện dần; hiện sức khỏe tiến triển tốt.
Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết, đề tài nghiên cứu trên tuy chưa được nghiệm thu chính thức nhưng đã được Hội đồng Y đức của bệnh viện tán thành 100%. Cơ sở này đang tiến hành xây dựng phác đồ điều trị lao màng não chuẩn để báo cáo lên cấp trên nhằm khuyến cáo nhiều nơi áp dụng.
Lao màng não chiếm 5% tổng số các ca lao, xuất hiện khi vi khuẩn lao đi theo đường máu đến tấn công não và màng não. Căn bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, bệnh tập trung ở lứa tuổi 1-5. Triệu chứng chính là nhức đầu, nôn, sốt cao, co giật, hôn mê. Biểu hiện này cũng gặp ở các bệnh về não khác như u não, xuất huyết não, màng não, viêm màng não mủ, viêm màng não do nấm...
Ở người lớn, lao màng não thường gặp ở lứa tuổi 20-50, nam bị nhiều hơn nữ. Bệnh khởi đầu với những triệu chứng không đặc hiệu: nhức đầu, chóng mặt, ù tai; có người bị co giật khu trú, liệt, nói nhảm, buồn bã... Những dấu hiệu này khiến thầy thuốc chỉ nghĩ đến các bệnh thông thường như cảm cúm, rối loạn tiền đình, viêm xoang, rối loạn tâm lý. Sau vài ngày hoặc vài tuần, tổn thương lan tràn, bệnh nhân mới thấy nhức đầu, nôn, co giật, suy yếu dần và rơi vào hôn mê.
Chẩn đoán xác định lao màng não là một việc không dễ dàng. Phương pháp xác định hiệu quả nhất (cấy vi khuẩn) cũng chỉ cho kết quả sau 2 tháng và có đến 50% trường hợp bị âm tính giả (có bệnh nhưng xét nghiệm không tìm ra vi khuẩn).
Nếu nhập viện muộn (khi đã hôn mê sâu), tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao màng não lên đến 70-80%. Những người còn sống có thể gặp những biến chứng nặng nề như động kinh, mù mắt, liệt dây thần kinh 3 hoặc 4, liệt nửa người hoặc 2 chi dưới, thiểu năng trí tuệ, thay đổi tính tình, béo phì, vô kinh ở nữ giới, đái tháo nhạt... Nhiều người sau khi thoát khỏi cơn hôn mê chỉ còn tồn tại dưới dạng đời sống thực vật.
Lao màng não chưa có vacxin tiêm phòng. Việc tiêm vacxin BCG (phòng lao) không có tác dụng ngăn ngừa bệnh này; bằng chứng là dù được tiêm BCG, nhiều trẻ em vẫn mắc lao màng não. Để tránh bị bệnh, những người đã mắc các thể lao khác lao phổi, lao hạch, lao tiết niệu, lao xương...) cần tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không làm việc quá sức. Bởi vì một khi cơ thể đã suy yếu, vi khuẩn lao càng có điều kiện tấn công lên não.
Bài viết khác
-
HỘI NGHỊ NGHIỆM THU BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/ SÁNG KIẾN CẢI TIẾN CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
HỘI ĐỒNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU -
TỔ CHỨC TẬP HUẤN CHO NHÂN VIÊN Y TẾ.
TỔ CHỨC TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT MARBURG; KỸ NĂNG -
HỘI THẢO KHOA HỌC THÁNG 4- NĂM 2023
HỘI THẢO KHOA HỌC THÁNG 4- NĂM 2023 -
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ TÀI NCKH/ SKCT CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ TÀI NCKH/ SKCT CẤP CƠ SỞ NĂM 2023 -
VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ
VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ -
VỚI PHƯƠNG PHÁP GÂY MÊ, TỪ NAY NGƯỜI BỆNH SẼ KHÔNG CÒN PHẢI LO SỢ MỖI KHI THỰC HIỆN NỘI SOI
VỚI PHƯƠNG PHÁP GÂY MÊ, TỪ NAY NGƯỜI BỆNH SẼ KHÔNG CÒN PHẢI LO SỢ MỖI KHI THỰC HIỆN NỘI SOI -
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO MÀNG PHỔI
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO MÀNG PHỔI -
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO PHỔI
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO PHỔI -
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT)
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT) -
DIỄN BIẾN DỊCH COVID-19 MỚI NHẤT
Tình hình dịch COVID-19 mới nhất, số liệu chính thức của Bộ Y tế, cập nhật hàng ngày.