Thứ 2, 25/11/2024 | 10:13

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

 

Dùng thuốc mũi - họng thế nào cho đúng?

(SKDS) - Thời tiết, khí hậu và môi trường như ở nước ta hiện nay là những điều kiện hết sức thuận lợi cho bệnh lý tai - mũi - họng phát triển, đặc biệt với trẻ em.

23/07/2012

Bên cạnh việc dùng thuốc toàn thân, việc dùng thuốc tại chỗ đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh lý này. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít bà mẹ, thậm chí cả các nhân viên y tế đang có biểu hiện lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi, nhất là khi dùng cho trẻ em.

Thuốc nhỏ mũi

Đây là đường đưa thuốc phổ cập nhất, tuy nhiên, có rất nhiều điều cần lưu ý khi sử dụng cách đưa thuốc này:

Trước khi nhỏ mũi, cần hút hết chất dịch nhầy ứ đọng trong hốc mũi, đặc biệt với trẻ nhỏ thì cần hút mũi đúng cách bằng ống hút mũi.

Khi nhỏ mũi, tốt nhất là ở tư thế nằm ngửa, nếu không có điều kiện nằm ngửa thì ngồi và ngửa đầu tối đa. Hướng đầu ống nhỏ ra ngoài và cố gắng không để chạm vào mũi, mỗi lần nhỏ từ 1 – 2 giọt, sau khi nhỏ, dùng tay day vào hai bên mũi hoặc hít nhẹ để thuốc ngấm sâu.

 Cần thận trọng khi dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ.

Các thuốc nhỏ mũi thường được sử dụng là:

Thuốc co mạch: đây là loại thuốc có tác dụng co mạch, tạo sự thông thoáng cho đường thở như naphazolin 0,05% hay 0,1%, ephedrin 1%. Chính vì vậy, đây cũng là loại thuốc được dùng phổ biến nhất nhưng cũng tùy tiện nhất hiện nay. Ở người lớn, việc sử dụng thường xuyên, kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, “chai lỳ” niêm mạc, đòi hỏi phải tăng liều sử dụng, từ đó gây nên căn bệnh viêm mũi do thuốc.

 

Ở trẻ em dưới 7 tuổi, việc sử dụng thuốc co mạch cần hết sức thận trọng vì có thể gây nên choáng và các biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết các thuốc co mạch đều không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, thậm chí một số thuốc còn chống chỉ định dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi (rhinex 0,05%). Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, sơ sinh và nhũ nhi, nếu bị ngạt tắc mũi thì không được tự ý dùng bất cứ loại thuốc co mạch nào mà phải đưa đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Thuốc sát khuẩn: thường dùng là argyrol 1% đến 3%, đây là sản phẩm của nitrat bạc nên thuốc phải được bảo quản trong lọ tối màu, không dùng thuốc kéo dài và thuốc đã quá hạn. Thuốc vừa có tác dụng sát khuẩn vừa có tác dụng làm săn niêm mạc và chống xuất tiết nên được dùng cho trẻ nhỏ trong viêm VA, trong viêm mũi cấp tính.

Thuốc kháng viêm: hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại, tuy nhiên, với các viêm mạn tính thì nên sử dụng loại có corticoid kết hợp với kháng sinh.

Thuốc kháng sinh chỉ dùng cho những trường hợp viêm mũi, viêm xoang nhiễm trùng, thường biểu hiện bằng chảy mũi đặc, màu xanh hoặc vàng, có mùi hôi... Thời gian sử dụng không nên quá 10 ngày.

Thuốc corticosteroid dùng để điều trị viêm mũi dị ứng, viêm mũi xuất tiết, viêm mũi quá phát gây ngạt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi liên tục, ngửi kém, polyp mũi... Nhìn chung, các loại thuốc thuộc nhóm này đều phải thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Một điểm cần lưu ý, khi sử dụng các thuốc nhỏ mũi kháng viêm có kháng sinh và corticoid, nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra.

Thuốc dạng xịt mũi họng

Ngày nay, các thuốc ở dạng sương mù đang được sử dụng phổ biến ở nước ta với rất nhiều chủng loại và thành phần khác nhau.

Nguyên lý sử dụng là khi bấm nút, thuốc được phun ra dưới dạng các hạt nhỏ li ti có kích thước từ 15 – 100 micromét.

Sử dụng loại thuốc nào với liều lượng ra sao phụ thuộc vào bệnh và chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên, cần lưu ý:

Trước khi xịt thuốc, cần xì mũi hoặc súc họng thật sạch để thuốc tới niêm mạc được dễ dàng.

Nếu khi xịt gây ho, hắt hơi, sặc thì nên ngừng vài phút trước khi xịt tiếp lần hai.

Với các thuốc xịt có chất gây co mạch, sau khi xịt, cần chờ một lát để thuốc có tác dụng, không nên xịt nhiều lần.

Với các thuốc xịt có corticoid, không xịt nhiều lần trong ngày, không dùng kéo dài vì khi đó cần chú ý tới tác động toàn thân của corticoid cũng như uống hoặc tiêm.

Trong một số trường hợp có bệnh lý tai mũi họng mạn tính, bác sĩ sẽ có chỉ định cho dùng xông mũi họng hoặc khí dung - đây là những biện pháp hết sức quan trọng và có hiệu quả cao trong điều trị.

Tóm lại, thuốc nhỏ mũi, xịt mũi là tên chung của nhiều loại thuốc khác nhau được dùng tại chỗ để điều trị các chứng bệnh của mũi. Các thuốc này không những chỉ khác nhau về cách sử dụng, hiệu quả, mà đặc biệt còn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn, gây hại cho niêm mạc mũi, nhất là ở trẻ em. Việc sử dụng thuốc nhỏ mũi tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không được hướng dẫn để dùng một cách đúng đắn thì không những bệnh không khỏi mà còn có thể dẫn đến tình trạng “cái sảy nảy cái ung”.  

ThS.Nguyễn Vân Anh


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com