Thứ 6, 22/11/2024 | 09:25

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

 

Khó thở, coi chừng rối loạn chức năng cơ hoành

(Điều dưỡng) - Nếu đột nhiên bị khó thở khi cơ thể đang khỏe mạnh, hãy cảnh giác với chứng rối loạn chức năng cơ hoành.

12/07/2012

Tùy vào mức độ tổn thương cơ hoành sẽ gây suy hô hấp ở nhiều mức độ khác nhau. Nặng có thể gây ra các biến chứng như xẹp phổi, viêm hai đáy phổi...

Cơ hoành là một cơ dẹt hình vòm phân chia hai khoang ngực và bụng có vai trò cực kỳ quan trọng trong sinh lý hô hấp. Với diện tích bề mặt trung bình khoảng 250cm2, cơ hoành hạ xuống 1cm đồng nghĩa với việc tăng thể tích khí lưu vào phổi xấp xỉ 250ml, bằng một nửa thể tích khí lưu thông. Khi cơ hoành hạ xuống 7 - 8cm, thể tích khí vào phổi có thể lên đến 2.000ml. Như vậy, khi cơ hoành bị tổn thương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng khí ra vào phổi, gây suy hô hấp...

Biểu hiện của rối loạn chức năng cơ hoành

Biểu hiện của rối loạn chức năng cơ hoành (CNCH) có nhiều mức độ khác nhau phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Nếu cơ hoành chỉ bị yếu chứ chưa bị liệt hoặc tổn thương chỉ bị một bên (cơ hoành phải hay cơ hoành trái), bệnh nhân chỉ có khó thở khi gắng sức, khi vận động nhiều. Khó thở sẽ biểu hiện thường xuyên nếu cơ hoành bị liệt hoàn toàn. Liệt một bên cơ hoành cũng có thể gây khó thở ở tư thế nằm ngửa. Các bệnh phối hợp như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các tình trạng béo phì, nhược cơ... có thể làm nặng thêm tình trạng khó thở ở bệnh nhân rối loạn CNCH. Khó thở do liệt cơ hoành cả hai bên cũng nặng thêm khi bệnh nhân nằm đầu thấp, khi gập người hoặc khi tắm ngập dưới nước từ thắt lưng trở lên.

Chẩn đoán khó thở do rối loạn CNCH sẽ được đặt ra nếu bệnh nhân có khó thở thường xuyên không rõ nguyên nhân, khó thở tái đi tái lại và trong tiền sử có các bệnh gây tổn thương tủy sống, chấn thương cột sống cổ, các bệnh lý thần kinh cơ, các khối u trung thất, thông khí nhân tạo kéo dài... Liệt toàn bộ cơ hoành cũng thường làm bệnh nhân mất ngủ, giảm thông khí khi ngủ, mệt mỏi, mất tập trung, đau đầu chóng mặt. Các biến chứng khác do liệt cơ hoành có thể là xẹp phổi, viêm hai đáy phổi.

\"Chẩn đoán xác định rối loạn CNCH dựa và các biểu hiện lâm sàng chủ yếu là khó thở không rõ nguyên nhân, biểu hiện gia tăng khi nằm ngửa hoặc khi xuống nước, dấu hiệu bụng di động nghịch thường khi thở và một số biện pháp cận lâm sàng như chụp Xquang lồng ngực để tìm dấu hiệu xẹp phổi, cơ hoành bị kéo lên cao, áp lực hít vào tối đa giảm dưới 70cmH2O ở nữ và dưới 80cmH2O ở nam, siêu âm xác định độ dày của cơ hoành cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán...\"

Khám phát hiện rối loạn CNCH bao gồm tìm các dấu hiệu co kéo cơ hô hấp phụ (cơ ức đòn chũm, cơ thang), mức độ phồng xẹp của cơ hoành ở thì thở ra và hít vào hết sức. Dấu hiệu điển hình nhất của liệt toàn bộ cơ hoành là dấu hiệu bụng nghịch thường hay hô hấp đảo. Bình thường, khi hít vào, cả lồng ngực và bụng đều phồng lên (do cơ hoành phồng vào ổ bụng), khi cơ hoành bị liệt, khi hít vào, áp lực âm trong lồng ngực sẽ kéo cơ hoành lõm vào khiến cho bụng bệnh nhân cũng lõm vào theo. Một số dấu hiệu cận lâm sàng có thể giúp ích cho chẩn đoán như giảm dung tích sống ở tư thế bình thường hay nằm ngửa, giảm áp lực hít vào tối đa...

Nguyên nhân nào gây rối loạn CNCH?

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn CNCH. Phân chia theo vị trí tổn thương thường là: tổn thương tại não và tủy sống như xơ cứng rải rác, đột quỵ, dị dạng Arnold - Chiari, liệt tứ chi, xơ cứng cột bên teo cơ, bại liệt, teo cơ do tổn thương tủy sống, chấn thương cột sống cổ, bệnh rỗng ống tủy; tổn thương thần kinh hoành như trong hội chứng Guillain - Barré, các khối u trung thất, bệnh lý thần kinh ngoại vi, các viêm nhiễm mạn tính gây mất myelin ở các rễ và dây thần kinh, tổn thương thần kinh hoành trong phẫu thuật tim, vô căn. Một tình trạng gây căng phổi quá mức gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản... cũng có thể gây tổn thương cơ hoành.

Tổn thương cơ hoành cũng có thể nằm trong bệnh cảnh chung của các bệnh như nhược cơ, ngộ độc một số thuốc, loạn dưỡng cơ, viêm cơ do nhiễm khuẩn hoặc chuyển hóa, dùng corticoid kéo dài... Bệnh lý rối loạn CNCH cũng hay gặp ở các bệnh nhân nặng trong các khoa hồi sức tích cực như nhiễm khuẩn, suy đa tạng, thông khí nhân tạo kéo dài, đái tháo đường, suy kiệt nặng, sử dụng thuốc giãn cơ, rối loạn điện giải như hạ kali, phospho, canxi, magne máu...

Điều trị ra sao?

Điều trị rối loạn CNCH chủ yếu là điều trị nguyên nhân như các bệnh lý tại não và tủy sống; bồi phụ đủ kali, phospho, magne, canxi; điều trị tốt các tình trạng gây căng phổi gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản; điều trị chống nhiễm khuẩn... Nếu triệu chứng khó thở tăng lên, có thể cho bệnh nhân thở máy ngắt quãng hoặc liên tục. Phẫu thuật khâu kéo căng cơ hoành cũng được chỉ định trong một số trường hợp nặng, điều trị nội khoa không kết quả.   

TS. BS. Vũ Đức Định


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com