Thứ 3, 30/04/2024 | 14:48

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THƯ MỜI CHÀO GIÁ

 

NHỮNG THÔNG TIN VỀ BỆNH LAO KHÁNG ĐA THUỐC (MDR-TB) CHO NGƯỜI BỆNH, GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG

Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương – Chương trình Chống lao Quốc gia

06/05/2011

1.   Bệnh lao kháng đa thuốc là gì?

Bệnh lao kháng đa thuốc là do vi khuẩn lao gây bệnh không bị tiêu diệt bởi các thuốc chống lao hàng 1 (hiện đang dung), do đó phải dùng các thuốc chống lao hàng 2 để điều trị. Do vi khuẩn lao đã kháng thuốc nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn.

Tuy vậy, phần lớn các thể lao kháng thuốc được chữa khỏi nếu người bệnh được dùng thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian yêu cầu.

 

2.   Sự khác nhau giữa bệnh lao thông thường và bệnh lao kháng đa thuốc là gì?

Bệnh lao thông thường và bệnh lao kháng đa thuốc đều do vi khuẩn lao gây ra, nhưng bệnh lao thông thường, vi khuẩn lao dễ bị tiêu diệt. Bệnh lao kháng đa thuốc, vi khuẩn lao khó bị tiêu diệt hơn, do vậy:

-         Thời gian điều trị bệnh lao kháng đa thuốc phải kéo dài hơn rất nhiều (ít nhất từ 18-24 tháng).

-         Bệnh lao kháng đa thuốc phải dùng các thuốc chống lao hàng 2 để điều trị. Đó là những thuốc đắt tiền và có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn hơn thuốc chống lao hàng 1.

-         Việc điều trị bệnh lao kháng đa thuốc đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực và tất cả chúng ta đều phải cố gắng mới thành công.

 

3.   Tại sao mắc bệnh lao kháng đa thuốc?

Có 2 lý do chính dẫn đến bị bệnh lao kháng đa thuốc:

3.1.      Đã từng bị mắc bệnh lao nhưng điều trị không đúng, cụ thể là:

-         Dùng thuốc lao không đúng liều.

-         Dùng thuốc không đều, hoặc điều trị không đủ thời gian.

-         Điều trị không đúng phác đồ hướng dẫn của Chương trình chống Lao quốc gia.

3.2.      Lây bệnh từ người bệnh lao kháng đa thuốc

 

4.   Sự lây truyền bệnh lao kháng đa thuốc như thế nào?

Bệnh lao kháng đa thuốc lây truyền như bệnh lao thông thường khi người bệnh ho, khạc đờm, hắt hơi làm bắn vào không khí những hạt nước bọt nhỏ li ti có chứa vi khuẩn lao, nếu người khác hít phải vi khuẩn lao sẽ bị nhiễm bệnh. Bệnh rất dễ lây nhiễm ra các thành viên trong gia đình và cộng đồng, nhất là khi người bệnh sống cùng những người khác trong điều khiện đông đúc, chật chội.

 

5.   Điều trị bệnh lao kháng đa thuốc như thế nào?

Điều trị bệnh lao kháng đa thuốc là cơ hội cuối cùng để chữa khỏi bệnh.

-         Phác đồ điều trị có 2 giai đoạn: giai đoạn tấn công kéo dài từ 6 – 8 tháng, dùng cả thuốc uống và thuốc tiêm. Giai đoạn duy trì kéo dài từ 12 – 14 tháng chỉ dùng thuốc uống.

-         Tổng thời gian điều trị từ 18 – 22 tháng, dùng thuốc 6 ngày trong 1 tuần.

-         Bạn phải đảm bảo tiêm và uống thuốc đầy đủ, đều đặn mỗi ngày trong suốt liệu trình điều trị theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế.

-         Các thuốc điều trị bệnh lao kháng đa thuốc rất đắt tiền nhưng được cấp miễn phí.

-         Luôn luôn có nhân viên y tế hoặc người tình nguyện giám sát, hỗ trợ việc dùng thuốc của bạn trong suốt quá trình điều trị.

 

6.   Tại sao phải giám sát điều trị?

Nhân viên y tế hoặc người hỗ trợ điều trị đã được đào tạo sẽ giám sát việc dùng thuốc đầy đủ, đều đặn và đủ thời gian. Việc giám sát điều trị còn giúp nhân viên y tế đánh giá bệnh của bạn tiến triển tốt hay không, đồng thời phát hiện và giải quyết kịp thời những tác dụng không mong muốn của thuốc (nếu có).

 

7.   Tại sao cần phải tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc?

Nếu bạn không uống thuốc chống lao đầy đủ theo yêu cầu của thầy thuốc, bệnh của bạn sẽ không khỏi và tiếp tục lây vi khuẩn kháng thuốc cho người thân.

Bỏ dở điều trị hoặc uống thuốc không đều rất nguy hiểm vì bệnh sẽ không thể chữa trị khỏi.

Bạn nên biết, bệnh lao kháng đa thuốc có thể chữa khỏi, nhưng đã có rất nhiều người mắc và chết do bệnh lao vì thiếu hiểu biết.

-         Khi có việc đột xuất hoặc lý do làm bạn không thể đến uống thuốc đúng hẹn, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để có giải pháp thích hợp.

 

8.   Một số tác dụng không mong muốn thường gặp trong quá trình điều trị và cách giải quyết.

Trong thời gian đầu điều trị bệnh lao kháng đa thuốc, bạn có thể thấy xuất hiện các dấu hiệu như:

-         Buồn nôn hoặc nôn

-         ỉa chảy

-         Đau khớp

-         Chóng mặt

-         Giảm khả năng nghe

-         Đau đầu

-         Rối loạn giấc ngủ

-         Đau bụng

-         Chán ăn

-         Vàng da, vàng mắt…

Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu trên hoặc có những dấu hiệu bất thường khác, bạn cần báo ngay cho cán bộ y tế hoặc người hỗ trợ bạn trong quá trình điều trị để được giải thích cặn kẽ và xử trí kịp thời.

9.   Tại sao phải làm đầy đủ xét nghiệm đờm trong quá trình điều trị?

Trong quá trình điều trị, bạn cần phải xét nghiệm lại đờm hàng tháng để xác định xem còn vi khuẩn lao trong đờm hay không.

Kết quả xét nghiệm đờm âm tính liên tục (tức là vi khuẩn lao trong phổi của bạn đã bị tiêu diệt hết) là tiêu chuẩn duy nhất dánh giá kết quả điều trị khỏi bệnh.

Bạn phải nhớ đi xét nghiệm lại đờm đúng lịch hẹn.

 

10.  Phòng ngừa sự lây truyền bệnh lao kháng đa thuốc như thế nào?

Khi xét nghiệm đờm còn vi khuẩn lao, để hạn chế lây nhiễm cho mọi người, bạn nên:

-         Uống thuốc đủ liều và đều đặn mỗi ngày để sớm cắt đứt khả năng lây truyền của bệnh.

-         Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người

-         Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

-         Không khạc, nhổ bừa bãi (khạc đờm vào giấy rồi đốt đi).

-         Mở cửa sổ và cửa ra vào để tăng lưu thông không khí trong phòng, có thể đặt quạt điện thổi gió từ trong nhà ra ngoài.

-         Nếu có thể, không ngủ chung phòng với người khác.

-         Không cần ăn kiêng hoặc dùng riêng đồ ăn hoặc các vận dụng trong gia đình.

 

11.   Cần làm gì để phát hiện sớm những người mắc bệnh lao kháng đa thuốc?

a.   Cần đi khám phát hiện bệnh lao sớm khi có triệu chứng ho khạc trên 2 tuần.

b.   Tất cả những người trong gia đình người bệnh lao kháng đa thuốc cần được khám phát hiện bệnh, đặc biệt là:

-         Trẻ em dưới 5 tuổi.

-         Những người khác có biểu hiện ho kéo dài trên 2 tuần.

Những việc cần làm là:

-         Khám lâm sàng.

-         Xét nghiệm đờm.

-         Chụp X quang phổi.

-         Thử phản ứng Mantoux.

12.   Khi nào người mắc bệnh lao kháng đa thuốc có thể tiếp xúc bình thường với cộng đồng?

Khi người bệnh dùng thuốc đầy đủ và xét nghiệm đờm âm tính.

 

BỐN ĐIỀU CẦN GHI NHỚ:

1.   Cần dùng đủ thuốc (cả về số loại và số lượng của mỗi loại), đều mỗi ngày, đủ thời gian: 18 – 24 tháng.

2.   Cần tới khám kiểm tra định kỳ và xét nghiệm lại đờm theo đúng lịch hẹn.

3.   Phòng lây nhiễm cho người khác.

4.   Khi trong gia đình có người ho khạc kéo dài trên 2 tuần hoặc có trẻ em dưới 5 tuổi cần phải đưa đến cơ sở y tế khám phát hiện sớm bệnh lao.


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com