Thứ 6, 17/05/2024 | 16:57

Thư mời chào giá

HỌC TẬP NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW

HỘI NGHỊ NHÂN NGÀY VỆ SINH TAY TOÀN CẦU 05/5 VÀ NGÀY QUỐC TẾ ĐIỀU DƯỠNG 12/5

Về việc đính chính văn bản số 367/BV74TW-VTTBYT ký ngày 24/4/2024.

GIAO LƯU THỂ THAO GIỮA CÔNG ĐOÀN BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG VỚI CÔNG ĐOÀN BỆNH VIỆN PHỔI TRUNG ƯƠNG

 

Phòng tránh áp-xe phổi trong mùa đông

Áp-xe phổi là một viêm nhiễm cấp tính gây hoại tử ở nhu mô phổi, tạo nên một hay nhiều hang chứa mủ. Bệnh do các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và nhiều tác nhân khác gây nên. Mùa đông áp-xe phổi dễ xảy ra sau các bệnh nhiễm khuẩn mũi họng và đường hô hấp trên.

10/01/2012

Yếu tố nguy cơ gây áp-xe phổi

Thời tiết lạnh giá, bệnh mạn tính, nghiện rượu, bia, thuốc lá,  suy giảm miễn dịch, bệnh nhân mở khí quản, nhổ răng, cắt amidal, dị vật đường thở, chấn thương ngực, nhiễm khuẩn mũi họng và đường hô hấp trên. Vi khuẩn gây áp-xe chủ yếu do hai đường: vi khuẩn từ hầu họng phế quản bị hít xuống phổi; vi khuẩn từ các ổ nhiễm khuẩn từ xa theo đường máu hoặc đường tiếp cận như áp-xe gan, áp-xe ruột thừa…

Biểu hiện của áp-xe phổi như thế nào?

Diễn biến áp-xe phổi thường trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn ổ mủ kín, bệnh giống viêm phổi cấp: sốt 39-40o, môi khô, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, ho ra đờm màu vàng hay xanh có khi lẫn máu. Thở nhanh, nông; đau ngực, nhịp tim nhanh, mệt, buồn nôn hay nôn vọt, người già ít sốt hoặc ho nhưng không có đờm. Khám phổi thấy ran ẩm, ran nổ. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng. Chụp Xquang phổi thấy tổn thương mờ hình tam giác.

Giai đoạn ộc mủ: sau 1- 2 tuần, áp-xe vỡ vào phế quản: bệnh nhân đột ngột đau tăng, ho tăng dữ dội và ộc ra rất nhiều mủ có khi tới hàng bát mủ, mủ đặc quánh màu vàng, nâu, xanh, lổn nhổn những cục mủ  tròn mùi hôi thối, vã mồ hôi, mệt lả. Sau đó bệnh nhân hết sốt, dễ chịu, ăn ngủ được. Khi mủ khạc ra thì ổ áp-xe rỗng, tạo thành hang. Khám phổi thấy tiếng thổi hang, ran ẩm to hạt. Quan sát mủ có thể sơ bộ chẩn đoán tác nhân gây bệnh như mủ màu vàng là do tụ cầu, mủ màu xanh là do liên cầu, mủ màu sôcôla là do amip, mủ thối và có những cục hoại tử đen thường do vi khuẩn kỵ khí.

Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản: bệnh nhân vẫn ho dai dẳng nhất là khi thay đổi tư thế và khạc mủ số lượng ít hơn. Khám phổi có thể thấy hội chứng hang: tiếng thổi hang, ran ẩm to hạt.

Chụp Xquang thấy một hoặc nhiều  hang dạng tròn, bờ dày, xung quanh là tổ chức phổi đông đặc, trong hang có mức khí, nước.

Biến chứng của áp-xe phổi

Nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị tốt sẽ khỏi hoàn toàn. Trái lại chẩn đoán bệnh muộn, điều trị không tốt, bệnh dễ tái phát hoặc tiến triển thành áp-xe mạn tính. Áp-xe vỡ ra khoang màng phổi, gây viêm mủ màng phổi hoặc tràn khí, tràn mủ màng phổi. Giãn phế quản quanh ổ áp-xe và xơ phổi. Viêm mủ màng ngoài tim, áp-xe não, viêm mủ trung thất, nhiễm khuẩn huyết. Áp-xe phổi có thể gây tử vong, do nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, suy kiệt, hoặc tử vong ngay sau ho ộc mủ do trụy tim mạch. Thoái hoá dạng bột các cơ quan. Phát triển nấm Aspergillus trong hang áp-xe.

Cần phân biệt áp-xe phổi với các bệnh:

Giai đoạn viêm: cần phân biệt với viêm phổi. Nếu điều trị kháng sinh tấn công ngay từ đầu thì có thể lành bệnh mà không hình thành áp-xe.

Giai đoạn ộc mủ cần phân biệt với: giãn phế quản bội nhiễm, bệnh nhân có tiền sử ho khạc đờm kéo dài lâu ngày, chụp Xquang thấy phổi có hình mờ không đều, hay hình lỗ rỗ như ruột bánh mì ở hai bên đáy phổi. Kén hơi phổi bị bội nhiễm: kén hơi có bẩm sinh, nay bội nhiễm với biểu hiện: có ho, sốt, nhưng ít khi khạc mủ. Chụp Xquang có mức nước, mức hơi, nhưng bờ nhẵn, mỏng. Điều trị hết nhiễm khuẩn, kén hơi vẫn tồn tại; Ung thư phổi: thường gặp ở người từ 45 tuổi trở lên, nghiện thuốc lá, gầy sút nhanh, ho ra máu, ngón chân, ngón tay dùi trống. Chụp Xquang có đám mờ bên trong lồi lõm, khúc khuỷu, bờ có tua ra xung quanh. Soi phế quản sinh thiết phổi, tìm thấy tế bào ung thư. Lao hang bệnh nhân thường sốt về chiều, gầy sút, ho khạc đờm kéo dài, có khi ho ra máu. Xquang phổi thấy có hình hang hoặc đám mờ ở hạ đòn, hình hang thường méo mó, không có mực nước hơi, có thể có nhiều hang. Xét nghiệm đờm tìm thấy vi khuẩn lao.

Điều trị

Điều trị nội khoa: tốt nhất là dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ hoặc phối hợp 2-3 kháng sinh, thời gian điều trị 6-8 tuần. Dùng các thuốc long đờm; thuốc trợ tim và nâng đỡ cơ thể. Dẫn lưu đờm bằng phương pháp vỗ rung và theo tư thế: tuỳ vị trí ổ áp-xe mà chọn tư thế dẫn lưu cho thích hợp kết hợp với vỗ rung mỗi lần 15-20 phút, mỗi ngày vài ba lần. Nếu ổ áp-xe gần sát thành ngực thì chọc hút ổ áp-xe qua thành ngực, đặt dẫn lưu ổ áp-xe qua thành ngực. Có thể soi phế quản hút mủ hoặc lấy dị vật.

Điều trị ngoại khoa: các bệnh nhân quá 2 – 3 tháng mà các dấu hiệu lâm sàng và Xquang không đỡ phải tiến hành phẫu thuật cắt thùy phổi hoặc cả lá phổi.

Phòng bệnh

Mùa đông gió rét cần thường xuyên mặc nhiều quần áo giữ ấm cơ thể nhất là vùng cổ, ngực. Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng. Điều trị tích cực các bệnh ở miệng, họng ngay từ khi mới mắc. Phòng tránh bị sặc xăng dầu hoặc các dị vật hít vào phổi nhât là ở trẻ em.

 (Theo SKDS)


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com