Thứ 6, 22/11/2024 | 10:10

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

 

Thuốc điều trị viêm phổi ở trẻ em

SKDS. Việt Nam đứng hàng thứ 9 trong tổng số 15 nước có số trẻ mắc viêm phổi hằng năm cao nhất với tổng số trẻ mới mắc là 2,9 triệu trẻ/năm và chiếm tỷ lệ là 0,35 đợt/trẻ/năm.

03/12/2012

Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ em, ước tính tỉ lệ trung bình viêm phổi mới mắc được chẩn đoán dựa vào lâm sàng của trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2000 là 0,28 đợt/trẻ/năm. Tỷ lệ này dao động nhiều giữa các vùng địa lý. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh cao nhất là Đông Nam Á 0,36 đợt/trẻ/năm, châu Phi là 0,33 đợt/trẻ/năm, còn thấp nhất là ở châu Âu 0,06 đợt/trẻ/năm. Trẻ mắc viêm phổi tại các nước đang phát triển cao hơn gấp gần 5 lần so với trẻ sống tại các nước đã phát triển với tỷ lệ tương ứng là 0,29 đợt/trẻ/năm so với 0,05 đợt/trẻ/năm.

Tỷ lệ trẻ tử vong do viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 1/3 trong tổng số các nguyên nhân tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, ở Việt Nam có khoảng 7,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và với tỷ lệ tử vong chung là 23 phần nghìn thì mỗi năm có khoảng 38.000 trẻ tử vong, trong đó viêm phổi chiếm 12%, nghĩa là mỗi năm có khoảng trên 4.500 trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi.

Nguyên nhân gây bệnh và phương pháp chẩn đoán

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi trẻ em thường do vi khuẩn như H.influenza, S.pneumonia...; do virut như virut hợp bào hô hấp (RSV), virut cúm A, B...; do ký sinh trùng hay nấm như Candida, Toxoplasma...

Chẩn đoán bệnh viêm phổi dựa vào lâm sàng là chính:

Dấu hiệu thở nhanh có giá trị chẩn đoán viêm phổi cao nhất. Đó cũng là dấu hiệu có giá trị chẩn đoán sớm vì có độ nhạy và độ đặc hiệu cao so với các trường hợp chẩn đoán bằng Xquang. Nhịp thở nhanh tùy theo từng độ tuổi quy định như sau: trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; trẻ 2 - 12 tháng: nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên; trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi: nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.

Dấu hiệu ho và sốt.

Có ran ẩm nhỏ hạt khi nghe phổi.

Khi trẻ có các dấu hiệu trên, gia đình cần cho trẻ đi khám ngay ở cơ sở y tế. Nếu không được xử lý kịp thời trẻ sẽ bị viêm phổi nặng hơn như rút lõm lồng ngực, thở rên, tím tái, bú kém, co giật...

Cần lưu ý, chỉ nên chụp Xquang phổi cho trẻ nhỏ có sốt và có dấu hiệu suy hô hấp.

Điều trị thế nào?

Trước hết cần khẳng định khi được chẩn đoán là viêm phổi, người bệnh buộc phải dùng kháng sinh mặc dù bệnh viêm phổi do rất nhiều nguyên nhân. Nếu do virut thì dùng kháng sinh không hiệu quả nhưng rất khó để biết được chính xác nguyên nhân do virut đơn thuần hay có kết hợp với vi khuẩn không. Ngày nay trên thế giới, kể cả ở các nước đã phát triển, nơi có tỷ lệ viêm phổi do vi khuẩn thấp hơn so với các nước đang phát triển thì các thầy thuốc cũng dùng kháng sinh hàng loạt cho các trường hợp viêm phổi ở trẻ em.

Điều trị viêm phổi cộng đồng

Với trẻ sơ sinh và dưới 2 tháng tuổi: cần được điều trị tại bệnh viện do bệnh có thể diễn biến nặng lên rất nhanh, khó tiên lượng và cần theo dõi chặt chẽ. Việc chỉ định điều trị phải do các thầy thuốc chuyên khoa, cần phải phù hợp với tuổi, tình trạng miễn dịch, mức độ nặng, nhẹ của bệnh và tính kháng kháng sinh hiện nay của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp.

Ở nhóm này nên dùng benzyl - penicillin hoặc ampicillin kết hợp với gentamycin. Mỗi đợt dùng 5 - 10 ngày. Trong các trường hợp viêm phổi rất nặng thì dùng cefotaxim.

Với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi:

Viêm phổi không nặng (chỉ ho và thở nhanh) thì điều trị ngoại trú, dùng cotrimoxazol ở những nơi phế cầu chưa kháng với thuốc này hoặc dùng amoxycillin theo dõi sau 2 - 3 ngày, nếu đỡ điều trị đủ 5 - 7 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm thì điều trị như viêm phổi nặng. Gần đây tỷ lệ phế cầu kháng thuốc tăng lên ở nhiều nơi, tại vùng đó có thể tăng liều amoxycillin cho các trường hợp  phế cầu kháng thuốc. Nếu nơi nào có tỷ lệ H.influenzae và B.catarrhalis sinh beta - lactamase cao thì có thể thay bằng augmentin (amoxy/clavulanic).

Viêm phổi nặng (có khó thở, co rút lồng ngực) điều trị tại bệnh viện. Dùng benzylpenicillin hoặc ampicillin. Theo dõi sau 2 - 3 ngày nếu đỡ tiếp tục dùng đủ 5 - 10 ngày. Nếu không đỡ hoặc nặng thêm thì điều trị như viêm phổi rất nặng.

Viêm phổi rất nặng (có khó thở, co rút lồng ngực, tím tái, li bì...). Cần điều trị tại bệnh viện benzylpenicillin phối hợp với gentamicin hoặc dùng chloramphenicol một đợt 5 - 10 ngày hoặc ampicillin kết hợp với gentamicin hoặc dùng cefuroxime.

Với trẻ trên 5 tuổi

Dùng benzylpenicillin hoặc cefuroxim hoặc ceftriaxon.

Đối với những trường hợp viêm phổi không điển hình, dùng erythromycin uống trong 10 ngày. Hoặc azithromycin, nếu cần thiết có thể dùng tới 7 - 10 ngày.

Tóm lại, viêm phổi ở trẻ em là một bệnh viêm đường hô hấp dưới nặng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đồng thời, cần có các biện pháp phòng ngừa cơ bản không để bệnh xảy ra như thường xuyên giữ vệ sinh vùng mũi họng, giữ ấm khi thời tiết trở lạnh, cũng như thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ để tránh nhiễm lạnh, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng dinh dưỡng và các hoạt động thể lực.

BS. Phạm Thị Thục

 


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com