Tìm hiểu bệnh Hen.
Ước tính cả nước hiện có khoảng gần 5 triệu người mắc bệnh hen. Theo các chuyên gia, bệnh hen hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị được. Hen là một bệnh mãn tính, trầm trọng và thường cũng là một biểu hiện về dị ứng, nhiều khi kéo dài nhiều năm tháng.
Hen là gì:
Quá trình thở là hít không khí có chứa nhiều oxy vào trong cơ thể và huy động tống khí thải có chứa nhiều khí cacbonic¬ ra khỏi cơ thể. Không khí vào trong cơ thể qua khí quản. và 2 phế quản gốc dẫn vào 2 phổi.
Hen là tình trạng các phế quản nhỏ bị chít hẹp do viêm nhiễm mãn tính, khi các phế quản nhỏ bị hẹp, không khí qua đó khó khăn vì co thắt của các cơ ở thành phế quản; sưng và phù nề lớp niêm mạc của phế quản; tiết nhiều chất nhầy vào trong lòng các phế quản.
Ngoài ra còn có sự tăng quá mức của tính đáp ứng của phế quản với nhiều yếu tố dị nguyên gây khởi phát cơn hen. Các đường thở dễ bị kích thích quá mức và đáp ứng quá mức với một loạt các yếu tố dị nguyên khởi phát cơn hen: bụi nhà, mạt, phấn hoa, khói thuốc lá, các chất gây kích thích…
Nguyên nhân gây ra hen:
Hiện nay chúng ta biết rằng, nhiều người sinh ra đã có cơ địa dị ứng dễ bị hen. Thường trong gia đình những người này có người thân cũng bị hen, chàm, mày đay, viêm mũi dị ứng… Ở người này, hen gây ra do dị ứng với bọ mạt, với bụi nhà, hen xảy ra quanh năm. Ở một số người khác lại dị ứng với phấn hoa, hen chỉ xảy ra theo mùa. Hen cũng có thể xảy ra khi tiếp xúc với một vài loại hóa chất hoặc một số chất khác trong môi trường sản xuất…
Nhiễm virút cũng là nguyên nhân gây ra hen ở trẻ em, nhất là ở các cháu trong độ tuổi còn bú mẹ. Khi người mẹ đang mang thai lại hút thuốc lá, đứa trẻ sinh ra cũng tăng nguy cơ bị hen.
Triệu chứng của hen:
- Thở khò khè: Tiếng rít thường nghe được khi thở ra.
- Ho: Ho có thể kéo dài và thường hay xảy ra. Ho cũng là dấu hiệu nặng của cơn hen ban đêm. Ho rất dễ bị nhầm lẫn với những bệnh khác. Đặc biệt ở Việt Nam, một số bệnh nhân bị ho do hen được chẩn đoán nhầm là viêm phế quản, viêm họng hay thậm chí được chẩn đoán là ho do lao. Một số bệnh nhân bị hen chỉ có biểu hiện duy nhất là ho, đặc biệt là nửa đêm về sáng.
- Nặng ngực: Cảm giác giống như lồng ngực bị bóp chặt.
- Khó thở: Thở thấy khó khăn, đặc biệt là thở ra.
Các triệu chứng này có thể xảy ra nếu bệnh nhân không điều trị hay điều trị không đúng bệnh hen, hoặc khi bệnh nhân tiếp xúc với chất kích ứng gây ra cơn hen. Hai yếu tố xảy ra trong đường dẫn khí của bệnh nhân để gây ra cơn hen là:
+ Co thắt đường dẫn khí: Các cơ quanh đường dẫn khí co chặt hay thắt chặt lại với nhau. Sự co thắt này cũng còn gọi là “co thắt phế quản”, làm cản trở không cho không khí được hít vào hay thở ra tại phổi.
+ Viêm đường dẫn khí: Nếu bị bệnh hen, đường dẫn khí ở phổi luôn luôn bị viêm, sưng nhiều hơn và kích ứng khi bắt đầu có hen. Viêm phù nề niêm mạc đường thở làm cho lòng phế quản hẹp lại, có thể làm giảm lượng không khí mà bệnh nhân có thể hít vào hay thở ra khỏi phổi. Trong một số trường hợp, các tuyến nhầy trên đường dẫn khí tiết quá nhiều chất nhày đặc, hệ quả là làm tắt nghẽn đường dẫn khí. Lúc này bệnh nhân có cảm giác ngạt thở dù đang ở nơi đầy không khí.
Điểm cốt yếu của hen là ngay cả khi bạn không để ý đến nó, viêm đường dẫn khí luôn đồng hành cùng bạn. Đường dẫn khí của bạn bị viêm dù bạn đang có triệu chứng hen hay không. Đó là lý do hết sức quan trọng là tại sao bạn phải điều trị hen mỗi ngày ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe do ngày càng có nhiều minh chứng rằng nếu không được điều trị, hen có thể gây suy hô hấp mạn tính.
Điều trị và dự phòng hen:
Hen là bệnh viêm mạn tính ở phế quản, quá trình viêm này có sự tham gia của nhiều tế bào và nhiều thành phần của tế bào. Viêm mạn tính đi kèm với sự nhạy cảm quá mức của đường dẫn khí dẫn đến các cơn suyễn tái đi tái lại của các triệu chứng khò khè, khó thở, tức ngực và ho. Các triệu chứng trên thường xuất hiện vào thời điểm ban đêm hoặc sáng sớm. Đây là căn bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong.
Có 2 loại thuốc để điều trị bệnh hen gồm thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn nhanh (thuốc cấp cứu). Các thuốc dự phòng như Corticosteroid dạng hít, được sử dụng hàng ngày để giảm viêm và ngăn chặn những triệu chứng xảy ra. Các thuốc cắt cơn nhanh được sử dụng để giảm co thắt các cơ trơn đường hô hấp trong cơn hen.
* Để dự phòng Hen, ngoài việc dùng thuốc bệnh nhân cần chú ý tránh các yếu tố khởi phát hen là một bước quan trọng:
Tránh được các yếu tố khởi phát hen làm giảm viêm nhiễm các đường thở, giảm các triệu chứng và giảm nhu cầu về thuốc men. Phải cố gắng xác định được các yếu tố gây khởi phát cơn hen (tuy không phải bao giờ cũng xác định được) và tránh khi có thể:
- Dị ứng với mạt trong bụi nhà là thường gặp ở người hen. Phải bọc các đệm, gối với chất liệu không cho dị nguyên qua được. Hàng tuần phải giặt khăn trải giường, áo gối bằng nước nóng có nhiệt độ trên 550C. Bỏ hết các thảm ở trong phòng ngủ.
- Phấn hoa (tùy từng mùa) và nấm mốc là khó tránh, nhưng nếu có điều kiện dùng máy điều hòa không khí và đóng kín cửa sổ trong suốt mùa phấn hoa có thể lợi ích.
- Dị ứng thức ăn thường ít khi là nguyên nhân của hen. Ở nhũ nhi hay trẻ nhỏ, dị ứng thường là thủ phạm gây ra chàm hơn là hen: trứng, sữa, thịt gà và cua, cá biển. Tuy vậy cần đề phòng các chất phụ gia và các chất bảo quản có thể gây ra hen.
- Nhiễm virus cũng là nguyên nhân hay gặp gây ra hen cả ở người lớn và trẻ em. Đặc biệt ở nhũ nhi và trẻ nhỏ thường biểu hiện như một viêm tiểu phế quản.
- Khói thuốc lá, khói do đốt củi, những mùi nặng và khí dung tạo mùi, hay nước hoa đều cần phải tránh.
- Thuốc men như Aspirin, thuốc ức chế thường dùng chữa tăng huyết áp, nhức nửa đầu và thiên đầu thống có thể làm hen nặng lên.
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi trong nhà (mèo, chim…) do lông, nước tiểu… có thể làm hen nặng lên. Vì vậy tốt nhất là tránh nuôi các vật đó ở trong buồng ngủ và tốt nhất là không nuôi trong nhà
Sở y tế Thành phố Hà Nội
Bài viết khác
-
HỘI NGHỊ NGHIỆM THU BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/ SÁNG KIẾN CẢI TIẾN CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
HỘI ĐỒNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NGHIỆM THU BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU -
TỔ CHỨC TẬP HUẤN CHO NHÂN VIÊN Y TẾ.
TỔ CHỨC TẬP HUẤN HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT MARBURG; KỸ NĂNG -
HỘI THẢO KHOA HỌC THÁNG 4- NĂM 2023
HỘI THẢO KHOA HỌC THÁNG 4- NĂM 2023 -
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ TÀI NCKH/ SKCT CẤP CƠ SỞ NĂM 2023
HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TỔ CHỨC ĐÁNH GIÁ, XÉT DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ TÀI NCKH/ SKCT CẤP CƠ SỞ NĂM 2023 -
VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ
VAI TRÒ CỦA ĐO CHỨC NĂNG HÔ HẤP TRONG TẦM SOÁT BỆNH LÝ -
VỚI PHƯƠNG PHÁP GÂY MÊ, TỪ NAY NGƯỜI BỆNH SẼ KHÔNG CÒN PHẢI LO SỢ MỖI KHI THỰC HIỆN NỘI SOI
VỚI PHƯƠNG PHÁP GÂY MÊ, TỪ NAY NGƯỜI BỆNH SẼ KHÔNG CÒN PHẢI LO SỢ MỖI KHI THỰC HIỆN NỘI SOI -
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO MÀNG PHỔI
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO MÀNG PHỔI -
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO PHỔI
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH LAO PHỔI -
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT)
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (BPTNMT) -
DIỄN BIẾN DỊCH COVID-19 MỚI NHẤT
Tình hình dịch COVID-19 mới nhất, số liệu chính thức của Bộ Y tế, cập nhật hàng ngày.