Thứ 7, 23/11/2024 | 06:53

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

 

Tôi làm y tá tại Mỹ

Để theo học ngành y tá không quá khó, nhưng vấn đề là tiếng Anh phải thật giỏi, nếu không bạn sẽ rất cực khổ và cảm thấy chán nghề nghiệp.

16/08/2011

( Người sưu tầm: Nguyễn Trọng Chiểu-theo báo VNEXPress)

                                                                                                                      

Để theo học ngành y tá không quá khó, nhưng vấn đề là tiếng Anh phải thật giỏi, nếu không bạn sẽ rất cực khổ và cảm thấy chán nghề nghiệp.

Chào các bạn.

Hy vọng là bài viết này của tôi - một người trong ngành sẽ có được cái nhìn chính xác một chút. Tôi đang là một RN (Registered Nurse) và hành nghề tại tiểu bang Virginia (miền đông nước Mỹ). Tôi tốt nghiệp trường đại học cộng đồng đào tạo RN và sau đó vượt qua cuộc thi cấp quốc gia dành cho RN hai tháng sau khi ra trường.

Các bạn ạ, để hành nghề y tá - RN tại Mỹ, cho dù sau khi bạn hoàn thành phần học tập, thực tập và tốt nghiệp ở trường mình học, thì bạn cũng như mọi sinh viên trong ngành y tá khác phải thi một bài rất quan trọng gọi là NCLEX - test quốc gia cho tất cả ai muốn thi ra lấy bằng làm RN.

Kỳ thi này rất quan trọng và dùng máy tính để thi, câu hỏi sẽ tiếp tục hiện ra cho bạn trả lời cho đến khi máy tính xác định là bạn đủ khả năng đậu hoặc rớt. Thông thường số lượng câu hỏi là 75-265 câu. Có người sẽ đậu chỉ sau 75 câu, nhưng có người sẽ rớt cũng chỉ sau 75 câu. Có người lại đậu sau khi phải làm hết 265 câu và cũng có người làm hết 265 cậu vẫn rớt.

Điều nguy hiểm của loại thi này trên máy tính là máy được thiết kế để tiếp tục ra thật nhiều những câu hỏi ở phần mà người dự thi yếu nhất, nghĩa là càng trả lời sai ở lĩnh vào nào thì câu hỏi ở lĩnh vực đó càng hiện ra nhiều hơn. Tôi nói hơi dài dòng về phần này vì thấy nó cũng rất quan trọng, vì cho dù học xong trường đào tạo mà chưa qua được bài thi này thì chưa có giấy phép hành nghề đâu. Bên này gọi là bằng RN với số đăng ký trên bằng đàng hoàng.

Nếu trong quá trình làm việc sau này mà người RN mắc phải lỗi gì đó nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân, như cho uống thuốc sai liều lượng... thì bằng RN sẽ bị treo hay phạt gì đó khi ra tòa. Vì vậy, phần lớn RN ở Mỹ đều phải mua bảo hiểm cho nghề nghiệp của mình.

Có hai loại bằng RN. Bản thân tôi là người đã trải qua kinh nghiệm của cả hai loại này. Tôi sang Mỹ năm 1994, có học tiếng Anh ở TP HCM rồi, nhưng chẳng là gì vì nói rất dở và không nghe được người Mỹ nói. Tôi đã hoàn thành hai năm đầu ở Đại học Cộng đồng với điểm khá cao vì kiến thức Toán, Lý, Hóa ở Việt Nam giúp tôi rất nhiều. Nhưng khi tôi được nhận vào trường 4 năm cho ngành y tá của một đại học rất là lớn, thì tôi không thể theo nổi, vì chương trình quá nặng đối với một người mới qua như tôi. Tôi đã trầy chật rất nhiều nhưng cuối cùng không chịu nổi áp lực của những giờ thực tập khi cô giáo người Mỹ cứ nhằm tôi mà săm soi. Cô này nói rằng tiếng Anh của tôi chưa đủ trình độ của một y tá. Thêm nữa trong môi trường này, bác sĩ, dược sĩ, mọi người rất là bận rộn. Họ không đủ kiên nhẫn nghe mình nói khi phát âm không chuẩn và khó nghe.

Tôi quá mệt mỏi và căng thẳng nên đã phải chuyển qua một ngành bốn năm khác là Computer Information và cũng tốt nghiệp với bằng cử nhân năm 2002. Sau đó năm 2004, khi cảm thấy tiếng Anh đã đủ, cộng với ý chí cùng sự cực khổ đã qua, tôi lại vào ngành y tá. Nhưng lần này tôi không có trường bốn năm, vì chồng tôi sống ở một vùng rất hẻo lánh làm cho ngành quân đội, nên dân cư thưa thớt, chỉ có hai trường đại học cộng đồng là gần nhất nhà, mà cũng 55 dặm lái xe cho tôi. Tôi đến trường này và nộp đơn xin học RN, mất đúng hai năm thôi, vì tất cả những lớp đòi hỏi trước khi vào ngành tôi đã hoàn thành từ trước kia và nó vẫn còn hiệu lực trong vòng 10 năm trở lại.

Tôi đã học xong chương trình RN và sau đó được phép đi thi NCLEX để lấy bằng. Tôi đã vượt qua 80 câu và trở thành RN và bắt đầu đi làm. Sự khác biệt giữa RN học từ đại học cộng đồng (Community College) và đại học (University) là RN tốt nghiệp từ đại học cộng đồng gọi là Associate Degree RN, or ADNS, còn từ trường đại học là BSN (Bachelor of Science in Nursing).

Về mặt kiến thức y tá, hai năm và bốn năm rất giống nhau, chỉ khác là hệ bốn năm họ được học thêm rất nhiều lớp về đào tạo làm lãnh đạo và một sự khác biệt nữa là những lớp đòi hỏi ở đầu vào nhiều hơn, ví dụ như kiến thức sinh học hoặc hóa học đòi nhiều lớp hơn, lớp dinh dưỡng, lớp về vi sinh vật học... Vì tôi đã phải hoàn thành những lớp này ở trường đại học ngày xưa nên tôi biết. Sau này khi nộp đơn cho trường hai năm thì họ đòi hỏi thấp hơn cho lớp đầu vào. Vì vậy người học xong hệ RN bốn năm sẽ dễ dàng học lên tiếp thạc sĩ hoặc tiến sĩ, nhưng nếu bạn có một bằng BS (Bachelor of Science) ở một ngành khác và RN từ trường hai năm thì cũng rất tốt, vì họ cũng có thể chấp nhận là bạn có trình độ cử nhân và bằng RN.

Nhờ vậy tôi đang xin vào một vị trí là ADON, assistant for Director of Nursing. Tôi thấy RN ở Mỹ thì có lợi thế là sử dụng máy móc hiện đại hơn so với Việt Nam, nhưng cũng không thể nói RN ở Mỹ hơn bác sĩ ở Việt Nam được đâu. Thật ra Ấn Độ có rất nhiều bác sĩ ở Mỹ và họ nói tiếng Anh không giỏi lắm, nhưng vẫn rất thành công và là bác sĩ giỏi của bệnh viện. Vì vậy RN vẫn phải kính trọng họ như thường.

Tôi hy vọng tòa soạn cho đăng bài của tôi giúp anh chị em nào có ý định học ngành y tá. Tôi có thể nói không quá khó, nhưng vấn đề là tiếng Anh phải thật giỏi vì nếu không bạn sẽ rất cực khổ và cảm thấy chán nghề nghiệp.

Jennifer

 


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com