Thứ 7, 23/11/2024 | 02:08

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

 

Trẻ viêm phế quản có bị hen khi lớn?

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng bệnh nhi mắc hen phế quản trên cả nước nhưng có thể khẳng định con số này ngày càng gia tăng.

27/12/2011

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng bệnh nhi mắc hen phế quản trên cả nước nhưng có thể khẳng định con số này ngày càng gia tăng. Có một số người dân và cả thầy thuốc cho rằng những trẻ thường bị viêm phế quản sẽ dễ dẫn tới mắc hen phế quản khi lớn lên. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới lại bác bỏ quan niệm này và khẳng định viêm phế quản và hen phế quản là hai loại bệnh hoàn toàn khác nhau về phương pháp điều trị cũng như dự phòng bệnh.

Nỗi niềm người mẹ trẻ

Mấy ngày vừa qua, thời tiết luôn luôn thay đổi thất thường, lúc mưa, lúc nắng, độ ẩm không khí cũng không ổn định khiến cu Tí bị ho, chảy nước mũi. Chị Hoa – mẹ cu Tí rất lo lắng vì cu Tí đã gần 2 tuổi nhưng rất hay bị viêm phế quản nên khi thấy con có những biểu hiện bất thường thì đưa ngay con đến bác sĩ để khám bệnh. Bác sĩ khám rất tận tình, chu đáo và kết luận cu Tí bị viêm phế quản. Chị Hoa sững người, cố kìm nước mắt chực trào ra vì thương con. Từ đầu tháng đến giờ, cu Tí đã phải uống kháng sinh đến 2 tuần rồi. Khi ra về, bác sĩ còn nói thêm, cháu lớn lên rất dễ bị hen khiến tâm trí chị Hoa càng rối bời, hoang mang. Mà thời điểm này không chỉ riêng cu Tí con chị bị viêm phế quản, xóm nhỏ của chị ở Từ Sơn – Bắc Ninh có bốn đứa trẻ tuổi từ 7 tháng đến 3 tuổi cũng đều bị viêm phế quản. Chị Hoa đã tìm đọc rất nhiều tài liệu khác nhau, cả trên sách vở và internet về bệnh hen phế quản và viêm phế quản, chị thấy biểu hiện của hai bệnh này khá giống nhau, đều có biểu hiện ho, khó thở, thở khò khè, hay gặp khi thay đổi thời tiết thì càng lo lắng và mang nặng mặc cảm đối với căn bệnh của con. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia nhi khoa thì tỷ lệ giao thoa giữa bệnh viêm phế quản và hen phế quản là rất ít và điều quan trọng đây là hai bệnh có nguyên nhân và phương pháp điều trị cũng như dự phòng hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy việc chẩn đoán phân biệt giữa hen phế quản và viêm phế quản là quan trọng và cần có sự thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhi. Bởi lẽ nếu chẩn đoán nhầm dễ dẫn đến điều trị bao vây, làm tăng việc sử dụng thuốc khiến tăng tác dụng phụ, không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. 

Sự khác nhau giữa hen phế quản và viêm phế quản phổi?

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hen phế quản là quá trình viêm mạn tính ở đường hô hấp (đáp ứng miễn dịch dị ứng). Hen có thể khởi bệnh ở nhiều giai đoạn trong cuộc đời con người, cơn hen có thể khởi phát khi trẻ mới 1 tuổi nhưng cũng có thể khởi phát ở người cao tuổi. Những trẻ được sinh ra trong gia đình có người mắc bệnh hen hoặc có bố hoặc mẹ mắc hen sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với những trẻ được sinh ra trong gia đình không có người mắc hen. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ này có thể đã mang sẵn một loại gen gây dị ứng khi kết hợp với môi trường thuận lợi sẽ dễ dàng khởi phát cơn hen. Đây là phản ứng quá mẫn của cơ thể với một số tác nhân nhất định, có thể là phấn hoa, mạt nhà, khói thuốc lá, một loại thức ăn đặc biệt, thời tiết lạnh hoặc cũng có thể do tập thể dục, do tâm lý hay virut. Xác định chính xác hen phế quản ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi chủ yếu dựa vào các biểu hiện bên ngoài, tiền sử gia đình do không đo được chức năng hô hấp của trẻ, các xét nghiệm khác lại bị giao thoa với bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, chàm… nên rất khó khăn. điều trị hen phế quản không sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng các loại thuốc làm giãn phế quản giúp trẻ dễ thở, các thuốc chống viêm mạn tính đường hô hấp và quan trọng nhất là tránh để trẻ tiếp xúc với dị nguyên và các yếu tố gây khởi phát cơn hen.

Trong khi đó, viêm phế quản phổi có thể gặp ở bất kỳ trẻ nhỏ nào, có thể tái đi tái lại nhiều lần chủ yếu do nguyên nhân vi khuẩn và thường phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Đối với trẻ bị viêm phế quản phổi tái lại nhiều lần nếu không có nguyên nhân khác như suy dinh dưỡng, còi xương, dị dạng lồng ngực… thì biện pháp dự phòng chính là cần tạo cho trẻ có môi trường trong lành, thoáng khí, tránh ô nhiễm và tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cho trẻ ăn uống đủ chất.

Hiểu đầy đủ và rõ ràng về cơ chế sinh bệnh cũng như những biện pháp dự phòng bệnh viêm phế quản phổi và hen phế quản ở trẻ em là cẩm nang giúp chị Hoa và những người mẹ cùng xóm không chỉ tránh được tâm lý lo âu mà còn có những biện pháp thiết thực phòng tránh bệnh cho con trẻ. Và việc đầu tiên chị Hoa dự định làm là quét vôi lại ngôi nhà cũ và giặt giũ chăn chiếu, vỏ gối, màn cho thật sạch sẽ.

Lê Thu Lương

http://suckhoedoisong.vn


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com