Thứ 6, 22/11/2024 | 19:52

Thư mời chào giá

Thư mời chào giá

THÔNG ĐIỆP HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2024

TẬP HUẤN TUYÊN TRUYỀN, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ NĂM 2024

Thư mời chào giá

 

Viêm thanh quản cấp do virut ở trẻ: Nghe tiếng ho, nhận biết bệnh

Bạn có con nhỏ, sau khi bị cảm lạnh trong vài ngày, bất ngờ cháu bị ho ông ổng, nhất là vào lúc nửa đêm.

12/03/2012

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi dễ mắc bệnh

Bệnh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng thường gặp vào mùa đông - xuân vì lúc này virut gây bệnh phát triển mạnh hơn. Bệnh do nhiều loại virut cúm gây ra, trong đó hay gặp nhất là virut á cúm. Các loại virut này lây truyền qua dịch tiết hô hấp hoặc giọt nhỏ chất tiết trong không khí do ho, hắt hơi hoặc thở bắn ra. Virut xâm nhập cơ thể gây cảm lạnh ở trẻ nhỏ, sau vài ngày trẻ bất ngờ bị ho ông ổng. Tiếng ho như chó sủa này nếu gặp lần đầu sẽ làm bạn lo lắng và bối rối. Nhưng bạn hãy bình tĩnh, vì đó là biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm tắc thanh quản ở trẻ nhỏ.

Viêm tắc thanh quản (viêm thanh quản cấp do virut) là hiện tượng viêm thanh quản và đường hô hấp ngay phía dưới thanh quản. Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi do đường thở nhỏ, dễ bị hẹp hơn khi viêm sưng. Tuy nhiên người lớn cũng có thể bị cảm lạnh và viêm thanh quản nhưng không bị tắc. Viêm tắc thanh quản thường trở nặng vào ban đêm và có thể kéo dài 5-7 đêm.

Viêm tắc thanh quản tái diễn gọi là viêm tắc thanh quản co thắt. Biểu hiện bệnh nặng nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, trong đó trẻ hay bị viêm tắc thanh quản nhất là khoảng 18 tháng; có khoảng 5% trẻ bị viêm tắc thanh quản trong năm 2 tuổi. Trẻ trai dễ bị nhiễm khuẩn và mắc bệnh nặng hơn so với trẻ gái.

Ho ông ổng và dấu hiệu khác

Viêm tắc thanh quản thường biểu hiện giống bị cảm lạnh, như chảy nước mũi, ngạt mũi. Nếu trẻ nhỏ bị cảm lạnh rồi khản tiếng là chuẩn bị tiến triển sang viêm tắc thanh quản vào ban đêm. Dấu hiệu đặc biệt của viêm tắc thanh quản là tiếng ho to, khàn, ông ổng. Dấu hiệu đặc trưng này được mô tả là ho như tiếng chó sủa. Tiếng ho khan, không có chất tiết.

Cơn ho thường kéo dài khoảng 1 giờ nhưng cũng có khi biến chuyển từ nhẹ sang nặng suốt đêm. Hầu hết trẻ bị viêm tắc thanh quản bị ho ít nhất vài đêm trước khi khỏi bệnh. Kèm theo ho còn có các triệu chứng: khó thở nhẹ hoặc vừa, thở rít khi hít vào. Trẻ bị sốt nhẹ, giọng nói khàn, đau họng, nhất là đau sau cơn ho, tức ngực do ho nhiều. Thông thường khó thở chỉ ở mức độ nhẹ hoặc vừa, nên khi gặp trẻ khó thở nặng cần nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

 

\"\"

 Virut cúm A - một trong các mầm bệnh gây viêm tắc thanh quản

Đa số các trường hợp viêm tắc thanh quản không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị viêm tắc thanh quản nặng thì cần phải cấp cứu ngay. Viêm tắc thanh quản nặng thường biểu hiện là trẻ thở rít, âm lượng cao khi hít vào với tiếng khò khè. Các trường hợp khò khè có thể tiến triển bệnh nặng hơn và tắc đường thở với các triệu chứng: chảy rãi hoặc nuốt khó do đau họng, khó thở tăng, ho nặng hơn, da vùng quanh mũi và miệng xanh hoặc sẫm màu. Nếu thấy trẻ bị xanh hoặc tím môi và miệng phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám.

Đề phòng biến chứng

Bạn cần theo dõi để phát hiện sớm biến chứng của bệnh. Đáng lo nhất đối với viêm tắc thanh quản là trẻ bị khó thở nặng. Bởi viêm tắc thanh quản rất nặng có thể gây viêm sưng và tắc đường thở đe dọa tính mạng của trẻ. Các biến chứng khác là nhiễm khuẩn tai và viêm phổi, vì virut gây viêm tắc thanh quản có thể lan vào phổi hoặc lên mũi và tai gây bệnh. 

Chăm sóc trẻ viêm tắc thanh quản

Viêm tắc thanh quản là do virut gây ra, cho nên thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh. Nếu con bạn bị viêm tắc thanh quản thì trước hết bạn phải bình tĩnh và giữ cho trẻ bình tĩnh. Hãy dỗ dành trẻ, vuốt ve âu yếm, đọc sách, kể chuyện hoặc chơi những trò nhẹ nhàng, đừng để trẻ khóc, vì khóc chỉ làm cho trẻ thêm khó thở.

Bạn nên làm ẩm không khí cho trẻ thở bằng cách mở vòi nước hoặc dùng quạt phun sương nhưng đừng để cho trẻ bị lạnh. Bế trẻ ở tư thế thẳng đứng hoặc ngồi thẳng giúp trẻ dễ thở hơn. Bạn luôn nhớ cho con uống nước hoặc ăn thức ăn lỏng ấm, như món súp có thể làm trẻ dễ chịu và làm loãng dịch tiết đặc. Cho trẻ uống sữa cũng rất tốt. Dùng thuốc giảm đau như acetaminophen để giảm đau và cải thiện khả năng ăn uống của trẻ. Tuyệt đối không để trẻ hít phải khói thuốc, bởi vì khói thuốc có thể làm triệu chứng nặng thêm.

Hiện nay vẫn chưa có vaccin phòng ngừa viêm tắc thanh quản do virut. Biện pháp phòng bệnh lây lan tốt nhất là rửa tay thường xuyên cho bạn và cho trẻ sau mỗi lần tiếp xúc với đồ vật hoặc thay tã lót, quần áo cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị nhiễm khuẩn hô hấp cũng là cách tốt để phòng cảm lạnh và viêm tắc thanh quản. Đeo khẩu trang thường xuyên khi chăm sóc trẻ và mỗi khi ra đường để phòng tránh cúm.

 Sức khỏe & Đời sống

 

 


Tags:

Bài viết khác

© 2024. BỆNH VIỆN 74 TRUNG ƯƠNG | Web Design www.cmBliss.com